Giới quan sát băn khoăn lý do ông Duterte giữ thỏa thuận quân sự với Mỹ

Tờ South China Morning Post dẫn nhiều ý kiến phân tích cho rằng việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định tiếp tục thực hiện Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ sẽ củng cố mục tiêu của Mỹ ở khu vực, gây sức ép đối với Trung Quốc về Biển Đông và Đài Loan.

Có hiệu lực từ năm 1999, VFA cung cấp một khung pháp lý cho phép quân đội Mỹ tại Philippines tham gia các cuộc tập trận riêng lẻ hoặc tập trận chung với quân đội Philippines. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và con gái Sara Duterte. Ảnh: AFP 

VFA được thiết kế để củng cố Hiệp ước Phòng thủ chung của hai nước nhằm hỗ trợ lẫn nhau nếu một bên bị tấn công.

Năm ngoái ông Duterte từng dọa chấm dứt VFA sau khi chính quyền Mỹ hủy bỏ thị thực của một trong những đồng minh chính trị của ông - Thượng nghị sĩ Ronald Dela Rosa, vì có vai trò trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của đất nước.

Củng cố liên minh với Mỹ

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ có khả năng sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự cho đồng minh Philippines sau tuyên bố của ông Duterte. Ngoài ra, quyết định tiếp tục thỏa thuận còn cho phép Mỹ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ gần các điểm nóng, điều này có thể gây áp lực lớn lên Bắc Kinh.

Theo ông Chen Xiangmiao, thành viên thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông (có trụ sở tại Trung Quốc), các căn cứ quân sự của Philippines đóng vai trò quan trọng với hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.

Hiện Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường cho phép quân đội Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự ở Philippines. Theo ông Chen, nhiều khả năng Washington sẽ giúp Manila "mở rộng đáng kể" các căn cứ đó, nhằm củng cố sự hiện diện của mình trên khắp Đông Nam Á.

"Liên minh quân sự giữa Mỹ và Philippines đã bị ảnh hưởng dưới thời Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Joe Biden hiện đang cố gắng sửa chữa nó" - ông nói.

"Tôi nghĩ rằng Mỹ cũng sẽ viện trợ quân sự cho Philippines và giúp hải quân nước này tăng cường khả năng của mình" - ông nói thêm.

Theo bà Zhang Xiangjun, một chuyên gia về luật biển từ Đại học Phúc Châu, dù sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ không phải là biện pháp răn đe lớn đối với Trung Quốc, nhưng việc nối lại thỏa thuận đã giúp củng cố chiến lược của Mỹ.

"Bằng cách này, Mỹ cũng đang chuẩn bị đối phó với vấn đề Đài Loan. Nếu Bắc Kinh tiến tới thống nhất Đài Loan bằng vũ lực trong tương lai, Mỹ có thể phối hợp tốt hơn các lực lượng của mình trong khu vực để cản trở động thái của Trung Quốc, vì Philippines ở gần Đài Loan" - bà Zhang nhận định.

"Ngoài ra, một phần lớn hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu của Nhật, Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ đều đi qua Biển Đông. Vì thế, Washington phải thực hiện nghĩa vụ trong hiệp ước an ninh ký với các đồng minh ở khu vực"- theo bà Zhang.

Là đà cho con gái ông Duterte tranh cử?

Tuy nhiên, ông Song Zhongping, một cựu huấn luyện viên quân đội Trung Quốc và một nhà bình luận quân sự lại có nhận định khác. Chuyên gia này cho rằng quyết định của ông Duterte là nhằm tạo bước đà cho con gái trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Theo hiến pháp Philippines, mỗi tổng thống chỉ phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và không được tái tranh cử. Với việc đứng đầu các cuộc thăm dò, rất có khả năng bà Sara Duterte - con gái ông Duterte sẽ tham gia cuộc tranh cử 2022.

"Những người bảo thủ ở Philippines không hài lòng với việc ông Duterte nhượng bộ Trung Quốc ở Biển Đông, vì vậy ông ấy và con gái cần thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử" - ông Song nói.

Đồng thời, ông nói thêm rằng nếu con gái của ông Duterte lên nắm quyền, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines có thể sẽ vẫn ổn định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm