Có cách đơn giản để ngăn làn sóng COVID-19 thứ hai

Hành động đeo khẩu trang đơn giản có thể là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, đài CNA ngày 10-6 một kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Đại học Cambridge và Đại học Greenwich (Anh).

Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí khoa học Kỷ yếu Hiệp hội Hoàng gia Anh của Hiệp hội Hoàng gia London (Anh). 

Theo nghiên cứu, việc đeo khẩu trang, thậm chí là khẩu trang tự may tại nhà, khi đến nơi công cộng có thể làm giảm tỉ lệ lây nhiễm COVID-19.

"Các phân tích của chúng tôi ủng hộ việc áp dụng rộng rãi  và ngay lập tức việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng" - chuyên gia Richard Stutt thuộc đại học Cambridge, một thành viên nhóm nghiên cứu, nói.

Người dân Hong Kong đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19 khi đi tàu điện ngầm. Ảnh: AP

Ông Stutt nói rằng việc kết hợp đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và một số biện pháp phong tỏa sẽ có thể là "biện pháp có thể chấp nhận được để quản lý đại dịch và tái khởi động các hoạt động kinh tế", trước khi thế giới có được vaccine ngừa COVID-19 hay liệu pháp điều trị đặc hiệu.

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá tốc độ lây nhiễm theo các mô hình khác nhau ở cấp độ cộng đồng để xác định tác động của việc đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 khác lên hệ số R.

Hệ số R thể hiện tỉ lệ lây nhiễm - một người đã nhiễm COVID-19 có thể lây cho bao nhiêu người. Nếu một cộng đồng có hệ số R lớn hơn 1, số ca nhiễm ở cộng đồng đó có nguy cơ tăng lên, thậm chí là tăng theo cấp số nhân. 

Một cô gái ở TP Manchester (Anh) đeo khẩu trang có dòng chữ "Hãy cảnh giác". Ảnh: TELEGRAPH/ALAMY NEWS

Nghiên cứu cho thấy so với việc chỉ đeo khẩu trang khi có triệu chứng COVID-19, việc người dân luôn đeo khẩu trang ở nơi công cộng có hiệu quả gấp hai lần trong việc giảm giá trị hệ số R.

Trong tất cả các mô hình được xem xét, việc ít nhất một nửa dân cư đeo khẩu trang hàng ngày giúp giảm tốc độ lây nhiễm và đưa hệ số R xuống thấp hơn 1. Điều đó cho phép các cộng đồng ngày nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

"Chúng ta không mất mát gì khi phổ biến rộng rãi việc đeo khẩu trang nhưng lợi ích có thể là đáng kể" - bà Renata Retkute, một chuyên gia thuộc đại học Cambridge tham gia nghiên cứu, nói.

Bản khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật ngày 5-6 nhắc lại rằng các quốc gia nên yêu cầu tất cả người dân đeo khẩu trang vải ở nơi công cộng để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Trong các khuyến cáo trước đó, WHO nhấn mạnh việc người dân nên đeo khẩu trang vải và để dành khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang chuyên dụng cho các y bác sĩ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm