Chỉ trong 24 giờ, tại Pháp đã có thêm 108 bệnh nhân tử vong vì căn bệnh COVID-19, đưa số người chết của nước này tính đến ngày 20-3 (giờ Việt Nam) lên 372 người, và tổng số ca nhiễm là 10.995, hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời tổng giám đốc cơ quan y tế Pháp Jerome Salomon cho biết hôm 19-3 trong một bản cập nhật số liệu hằng ngày.
Ông Salomon cho biết hiện có khoảng 4.761 người hiện đang nhập viện, trong đó có 1.122 người đang phải chăm sóc đặc biệt.
Đường phố Paris vắng vẻ trong mùa dịch. Ảnh: AP
"Đã có khoảng 1.300 ca đã phục hồi. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục xét nghiệm cho nhiều người, ước tính hơn 4.000 trương hợp được xét nghiệm mỗi ngày. Tính đến nay chúng tôi đã xét nghiệm cho khoảng 50.000 người" - ông Salomon nói thêm.
Nhiều người không tuân thủ quy tắc cách ly
Theo ông Salomon các ca nhiễm mới tăng gấp đôi cứ sau bốn ngày. Ông cho biết đã kêu gọi người dân Pháp tuân thủ quy tắc hạn chế tiếp xúc với người khác để giảm thiểu sự lây lan của virus.
"Chúng ta càng tôn trọng các quy tắc, chúng ta càng có thể ngăn chặn sự bùng phát. Đây là một cuộc chiến của cả cộng đồng" - ông nói thêm.
Pháp đang trong ngày thứ ba sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố hôm 17-3. Chính quyền kêu gọi người dân hạn chế tối đa các di chuyển. Chỉ những lý do đặc biệt, thăm khám hoặc mua nhu yếu phẩm mới được ra ngoài.
Trong chuyến thăm tới Viện Pasteur nằm tại thủ đô Paris, Tổng thống Emmanuel Macron bày tỏ lấy làm tiếc khi các biện pháp của chính phủ vẫn chưa được người dân tuân thủ nghiêm túc. Ông Macron cũng khẳng định lệnh phong tỏa rất có thể sẽ phải kéo dài hơn thời gian dự kiến là 15 ngày.
"Quá nhiều người còn xem nhẹ các quy tắc cách ly. Tôi vẫn thấy mọi người tiếp tục đi đến công viên, bãi biển hoặc các khu chợ mở. Điều đó có nghĩa là họ không hiểu những thông điệp mà chính quyền vừa đưa ra" - ông Macron phát biểu bên lề chuyến thăm Viện Pasteur.
Tổng thống Pháp cũng khẳng định bất chấp dịch bệnh, nước Pháp vẫn phải hoạt động, vì vậy hoạt động sản xuất không thể bị ngưng trệ. Nước Pháp cần tổ chức hoạt động sản xuất, theo hướng giảm tối đa tiếp xúc giữa người lao động và giữ khoảng cách an toàn cần thiết.
Thiếu hụt khẩu trang trầm trọng
Trong những ngày qua, vấn đề trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19, đặc biệt là khẩu trang y tế đang được bàn đến nhiều tại Pháp. Các bệnh viện đang trong tình trạng khan hiếm, thậm chí thiếu khẩu trang y tế dành cho các y bác sĩ, nhân viên chăm sóc.
Mặc dù chính phủ Pháp đã chuyển hàng chục triệu chiếc khẩu trang y tế trong kho dự trữ quốc gia cho các bệnh viện và phòng khám, hiệu thuốc, các nhân viên y tế hành nghề tự do… nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hầu hết chỉ người châu Á mới đeo khẩu trang để phòng dịch. Ảnh: GETTY
Ông Salomon cho biết đã chuyển 35 triệu chiếc khẩu trang đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe và các chuyên gia kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ông Salomon cũng nói thêm rằng hiện chỉ có khoảng 6 triệu khẩu trang được sản xuất mỗi tuần ở Pháp, trong khi nhu cầu thật trong đợt dịch bệnh có thể phải cần đến 50 triệu khẩu trang mỗi tuần.
So với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, Pháp chỉ cần khoảng 4-5 triệu chiếc mỗi tuần để đáp ứng nhu cầu cho toàn người dân.
Đối với người dân, cơ quan y tế Pháp tiếp tục khẳng định đeo khẩu trang không có tác dụng gì nếu không có triệu chứng bệnh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế - Bộ Y tế Pháp cho rằng: “Tôi xin nhắc lại cách ứng xử đúng liên quan tới việc đeo khẩu trang. Không nên đeo khẩu trang nếu chúng ta không bị ốm. Không nên đeo khẩu trang nếu chúng ta không phải là nhân viên chăm sóc y tế. Cách ứng xử tốt nhất là giữ khoảng cách, hãy đứng cách nhau ít nhất 1 m và giảm tiếp xúc nhiều nhất có thể”.
Theo một cuộc thăm dò dư luận mới được công bố, đại đa số người dân Pháp đánh giá cao các biện pháp do Chính phủ nước này áp đặt để chống COVID-19 (96%). 85% người dân cho rằng các biện pháp này đáng lẽ phải được áp đặt sớm hơn. Tuy nhiên, phần lớn người dân Pháp cũng thừa nhận, các quyết định này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như công việc của họ.