Thương mại Mỹ-Trung: Trung Quốc có nhượng bộ chưa tiền lệ

Ngày 28-3, hãng tin Reuters dẫn bốn nguồn tin quan chức cấp cao Mỹ cho biết Trung Quốc đã có sự nhượng bộ chưa có tiền lệ về một loạt các vấn đề thương mại khúc mắc giữa hai nước, trong đó có chuyện cưỡng ép chuyển giao công nghệ.

Nhượng bộ chưa tiền lệ về chuyển giao công nghệ

Chấm dứt hoạt động ăn cắp có hệ thống tài sản trí tuệ Mỹ và cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc là một trong những yêu cầu chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhiều công ty Mỹ nói họ bị áp lực phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh Trung Quốc như một điều kiện để được làm ăn tại nước này. Trung Quốc lâu nay vẫn bác bỏ có tồn tại vấn đề này, nói mình không hề có luật yêu cầu các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ.

Theo các nguồn tin quan chức Mỹ, việc Trung Quốc đưa ra các nhượng bộ này trong đó có vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ là điều chưa từng thấy so với trước đây.

Các nguồn tin cũng cho biết các nhà thương lượng hai bên đã có tiến triển về các chi tiết trong các văn bản thỏa thuận.

“Nếu nhìn vào ngôn từ một tháng trước và so sánh với hôm nay, chúng ta đã tiến thêm trong mọi lĩnh vực, dù chúng ta chưa đến được nơi chúng ta muốn” – một quan chức nói.

“Họ nói về việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ theo kiểu họ chưa từng muốn nói trước đây – cả về quy mô và cụ thể” – theo một nguồn tin quan chức Mỹ, ý muốn nói đến các nhà đàm phán Trung Quốc.

Hai lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể gặp nhau ký thỏa thuận thương mại, như đã định trước vào cuối tháng 3. Ảnh: GETTY IMAGES

Hai lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể gặp nhau ký thỏa thuận thương mại, như đã định trước vào cuối tháng 3. Ảnh: GETTY IMAGES

Tháng trước Reuters từng đưa tin hai phái đoàn đang tích cực bàn bạc nhằm hoàn thành 6 văn bản thỏa thuận về 6 lĩnh vực: Cưỡng ép chuyển giao công nghệ và tội phạm mạng, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp, các rào cản thương mại phi thuế quan.

Ngày 28-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Trung Quốc sẽ mở cửa tiếp cận thị trường với các ngân hàng, các công ty chứng khoán và bảo hiểm nước ngoài. Theo Reuters, từ lời nói của ông Lý có thể đoán Trung Quốc có thể sớm công bố các quy định cho phép các công ty tài chính nước ngoài mở rộng hoạt động ở Trung Quốc.

Phái đoàn Mỹ sang Trung Quốc

Trung Quốc và Mỹ hôm nay 29-3 bắt đầu một vòng đàm phán mới nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài gần cả một năm qua. Phái đoàn Mỹ do Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã sang thủ đô Bắc Kinh ngày hôm qua 28-3.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa), Đại diện thương mại Robert Lighthizer (trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phải tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 29-3. Ảnh: REUTERS

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa), Đại diện thương mại Robert Lighthizer (trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phải tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 29-3. Ảnh: REUTERS

Ngày 29-3, trao đổi với báo chí trước khi đến nhà khách Điếu Ngư Đài gặp phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông đã có “một buổi ăn tối làm việc đầy tính xây dựng” với phía Trung Quốc.

“Chúng tôi đã có một buổi ăn tối làm việc rất mang tính xây dựng hôm qua, và chúng tôi chờ đợi cuộc gặp hôm nay” – Reuters dẫn lời ông Mnuchin. Ông Mnuchin không tiết lộ cụ thể ông đã ăn tối với những ai và đã bàn những gì.

Theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc, hai bên sẽ đàm phán cả ngày. Cuộc gặp này diễn ra sau khi hai bên không thể thực hiện được mục tiêu sắp xếp cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau vào cuối tháng 3 để ký thỏa thuận thương mại.

Đàm phán sẽ còn kéo dài không ai chắc được

Theo lịch thì Phó Thủ tướng Lưu Hạc và phái đoàn Trung Quốc sẽ sang Mỹ vào tuần tới để tiếp tục đàm phán. Đàm phán sẽ còn tiếp tục đến chừng nào hai bên thống nhất được về các điểm cốt lõi.

“Nó có thể kéo dài tới tháng 5, tháng 6, không ai chắc được. Nó cũng có thể là tháng 4, chúng ta không biết được” – một quan chức Mỹ nói với Reuters. Theo quan chức này, hai bên vẫn chưa rút ngắn được bất đồng về các vấn đề tài sản trí tuệ và cách thức thi hành thỏa thuận.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và các thành viên phái đoàn đàm phán Mỹ tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 28-3. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và các thành viên phái đoàn đàm phán Mỹ tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 28-3. Ảnh: REUTERS

Ngày 28-3, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ có thể sẽ bỏ một số lượng thuế quan đang đánh lên Trung Quốc nếu hai bên đạt được thỏa thuận thương mại, một số lượng sẽ được giữ lại để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận.

“Chúng tôi sẽ không từ bỏ hết sức mạnh của mình” – ông Kudlow nói với báo chí từ Washington.

Mỹ đang đánh thuế lên 250 tỉ USD hàng Trung Quốc, trong đó 50 tỉ USD chịu thuế 25%, 200 tỉ USD chịu thuế 10%. Trung Quốc cũng đánh thuế lên 110 tỉ USD hàng Mỹ, trong đó 50 tỉ USD chịu thuế 25%, 60 tỉ USD chịu thuế 10%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm