Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 12-3

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 6 giờ 10 sáng 12-3, tổng số ca tử vong trên toàn thế giới vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19) là 4.576. Tổng số ca nhiễm là 122.391. Toàn thế giới có 65.757 ca chữa khỏi.

Trung Quốc ghi nhận 80.778 ca nhiễm và 3.158 ca tử vong.

Tổng số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục đến nay là 1.416 ca. Trong đó, Ý cao nhất với 827 ca, Iran xếp thứ hai với 354 ca, Hàn Quốc xếp thứ ba với 60 ca, Tây Ban Nha 48 ca, Pháp 33 ca, Mỹ 29 ca, Nhật Bản 19 ca, Anh và Iraq sáu ca, Hà Lan bốn ca; Úc, đặc khu Hong Kong, Thụy Sĩ, Đức ba ca; Lebanon,  Philippines và San Marino đều hai ca; Panama, Morocco, Argentina, Ireland, Indonesia, Albania, Ai Cập, Canada, Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan, Bỉ, Thụy Điển một ca. 

WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu

Theo hãng tin BBC, ngày 11-3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tổ chức này xem COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

"Trong hai tuần qua, số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia có dịch đã tăng gấp ba lần. Trong những ngày kế tiếp, chúng tôi dự đoán rằng số ca nhiễm, số ca tử vong và số quốc gia có dịch sẽ còn tăng cao hơn" - ông Tedros phát biểu trong cuộc họp báo.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS

Ông Tedros cũng nhấn mạnh mặc dù một số quốc gia đã có hành động quyết liệt nhằm chống dịch, các nước còn lại lại không có các hành động cần thiết để ngăn chặn bệnh dịch lây lan.

"Chúng tôi cảm thấy quan ngại sâu sắc về tình hình lây lan và nghiêm trọng của dịch, cũng như mức độ thờ ơ đáng báo động về dịch bệnh" - người đứng đầu WHO nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông tuyên bố "vì thế, chúng tôi đưa ra đánh giá rằng COVID-19 sẽ được xem là đại dịch".

Indonesia ghi nhận ca tử vong đầu tiên do đại dịch COVID-19

Ngày 11-3, Indonesia cho biết nước này vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh COVID-19. Bệnh nhân đã có các bệnh nền như cao huyết áp, cường giáp trạng và mắc bệnh về phổi lâu năm, theo báo Straits Times.

"Nữ bệnh nhân 53 tuổi, là người nước ngoài. Đại sứ quán của quốc gia người này đã được thông báo" - ông Achmad Yurianto, người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 và cũng là một quan chức của Bộ Y tế Indonesia, cho biết.

Ông nói rằng bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch khi được đưa tới bệnh viện. Ông thông tin bệnh nhân qua đời vào khoảng 2 giờ sáng 11-3 nhưng từ chối cung cấp thông tin về quốc tịch của người này.

Thủ tướng Merkel: 70% dân số Đức có thể nhiễm COVID-19

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể nhằm ứng phó trước nguy cơ đại dịch COVID-19 có thể lây nhiễm tới 70% dân số của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, theo Reuters.

"Chính phủ sẽ cân đối ngân sách để phòng, chống đại dịch COVID-19. Hiện không có vaccine hoặc thuốc điều trị và các chuyên gia cho biết 60%-70% dân số Đức có thể bị nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây COVID-19” - bà Merkel nói tại buổi họp báo ngày 11-3 ở thủ đô Berlin.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 11-3. Ảnh: REUTERS

Tuyên bố được đưa ra giữa lúc Đức đã xác nhận ba trường hợp tử vong vì COVID-19 với hơn 1.600 ca nhiễm. Thủ tướng Merkel còn kêu gọi người dân tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, chỉ nên nhìn vào mắt nhau "lâu hơn” và không bắt tay xã giao.
Tây Ban Nha thành điểm nóng dịch COVID-19 ở châu Âu sau Ý

Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch COVID-19 đã vượt 2.000, trong đó có 48 người chết, biến Tây Ban Nha thành nước bùng phát dịch nghiêm trọng thứ hai sau Ý tại châu Âu.

“Tính đến sáng 11-3, chúng ta ghi nhận 2.002 ca nhiễm” - theo điều phối viên các trường hợp khẩn cấp của Bộ Y tế, ông Fernando Simon.
Một ngày trước đó, Tây Ban Nha có 1.639 trường hợp mắc bệnh, theo AFP. Madrid là khu vực bị nặng nhất, chiếm khoảng 50% trên tổng số ca nhiễm toàn quốc và 31 trường hợp tử vong.
Giới hữu trách nhanh chóng triển khai một loạt biện pháp nhằm kiềm chế dịch bệnh, đóng cửa trường học tại Madrid trong hai tuần, tiến hành tẩy trùng các phương tiện giao thông công cộng và cấm mọi chuyến bay đến từ Ý.
Tuy nhiên, ông Simon thừa nhận phải chờ “sau 9-10 ngày” mới biết các biện pháp trên có hiệu quả hay không.
Quan chức này cũng dự báo phải mất khoảng 1-2 tháng nếu muốn dập được đại dịch COVID-19 và trong viễn cảnh tồi tệ nhất là phải mất đến bốn tháng.

Số ca tử vong ở Ý tăng 30%

Tổng số ca nhiễm tại Ý - quốc gia châu Âu bị đại dịch COVID-19 tấn công mạnh nhất, đã tăng lên 10.149 so với 9.172 ca của ngày trước đó, tức tăng 10,7%, theo Cơ quan bảo vệ dân sự Ý.

Trong khi đó, số người chết vì COVID-19 trong ngày đã tăng thêm 168, đưa  tổng số ca tử vong tại Ý lên 631. Tỉ lệ tử vong trên toàn Ý hiện ở mức hơn 6%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình toàn cầu và thậm chí cao hơn nhiều so với Trung Quốc, nơi đại dịch COVID-19 khởi phát.

Biển thông báo yêu cầu cách ly 14 ngày đối với các trường hợp trở về từ vùng có dịch tại sân bay Arlanda của Thụy Điển. Ảnh: AFP

Sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã buộc Ý phải phong tỏa toàn bộ đất nước, động thái cứng rắn chưa từng có trong lịch sử hiện đại của quốc gia này.

Nhà chức trách Ý đã cấm tất cả sự kiện công cộng, đóng cửa trường học, khu vực công cộng, bao gồm bảo tàng, rạp chiếu phim, đình chỉ các hoạt động tôn giáo, gồm đám tang và đám cưới. Giờ giới nghiêm bắt đầu lúc 18 giờ.

Việc đi lại ở Ý rơi vào hỗn loạn ngày 10-3 nhưng không dừng hẳn, sau lệnh phong tỏa cả nước. Việc di chuyển trên khắp đất nước chỉ được phép với lý do kinh doanh hoặc sức khỏe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm