Vì sao chiến lược của Mỹ thất bại ở Iran

Năm 1941, giữa cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên bang Xô Viết và Anh đe dọa tấn công Iran. Các lãnh đạo Iran vẫn từ chối hợp tác với Liên bang Xô viết và Anh. Chiến sự diễn ra từ ngày 25-8 đến 17-9-1941 với mục đích chiếm đóng các mỏ dầu lửa của Iran và bảo đảm an toàn cho con đường tiếp tế của các đồng minh phương Tây cho Liên Xô trong cuộc chiến với quân đội phe Trục trên mặt trận Đông Âu. Khiêm tốn cả về nhân lực và vũ khí, quân đội Iran đã nhanh chóng bị đánh bại và bị chiếm đóng trong nhiều năm. Dù bị suy yếu nhiều nhưng Iran vẫn tiếp tục đấu tranh vì chủ quyền. Và một năm sau, khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Iran tìm lại được chủ quyền quốc gia khi Liên bang Xô viết và Anh buộc phải rút đi.

Diễn biến này cùng với nhiều chương khác của lịch sử Iran hiện đại cho thấy kháng cự là tính cách chính trị của Iran, một nét cơ bản trong văn hóa chính trị và luôn luôn là một động lực trong chính sách đối ngoại của nước này.

Hiện nay Iran phải đối mặt với một đe dọa khác đến từ Mỹ. Chắc chắn Iran sẽ lại đi theo đúng nguyên tắc cũ. Vậy nên chắc chắn Mỹ sẽ thất bại trong việc muốn Iran đầu hàng. Đây là nhận định của trợ lý giáo sư về nghiên cứu Trung Đông Hassan Ahmadian tại ĐH Tehran (Iran) đang theo học sau tiến sĩ tại ĐH Harvard (Mỹ) trong một bài viết trên đài Al Jazeera.

Biểu tình bên ngoài một tòa nhà của Tổng thống Donald Trump ở New York (Mỹ) ngày 1-5 yêu cầu Mỹ không gây chiến với Iran. Ảnh: AP

“Tối đa hóa áp lực” sẽ không thành công

Hồi tháng 4, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không gia hạn lệnh hoãn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu từ Iran, đồng thời tuyên bố sẽ lôi xuất khẩu dầu của Iran “xuống bằng 0”. Sau tuyên bố này, Mỹ tiếp tục tăng cường chiến dịch “gây áp lực tối đa” với Iran cũng như có nhiều động thái đưa quân và vũ khí đến gần Iran.

Mỹ hy vọng chiến lược này sẽ buộc được Iran ngồi lại vào bàn đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới theo các điều khoản Mỹ đưa ra. Hay nói cách khác, chính phủ Trump hy vọng việc “tối đa hóa áp lực” sẽ khiến Iran không còn lựa chọn nào ngoài cách phải đầu hàng. Nhưng khả năng lớn Mỹ sẽ phải thất vọng, theo ông Ahmadian.

Không thể nào phủ nhận sự thắt chặt trừng phạt của Mỹ khiến kinh tế Iran lâm vào khó khăn nhưng chiến lược “gây áp lực tối đa” của Mỹ nhằm buộc Iran đầu hàng chỉ càng khiến chính phủ và người dân Iran đoàn kết, thống nhất hơn. Các lãnh đạo Iran đã giải thích rõ với người dân nước này rằng mọi sự nhân nhượng với Mỹ đều xem là sự đầu hàng. Tính đến thời điểm này, Iran chưa có động thái nhân nhượng nào cả về hành động và phát ngôn với Mỹ.

“Vẫn có một số nước muốn đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran. Vẫn còn hy vọng các nước này có thể thành công trong giảm căng thẳng và chặn được một cuộc đối đầu giữa hai bên. Vẫn chưa quá trễ để Mỹ và Iran giải quyết bất đồng một cách hòa bình” - trợ lý giáo sư về nghiên cứu Trung Đông Hassan Ahmadian tại ĐH Tehran. 

Mỹ sẽ sa lầy nếu chiến tranh với Iran

Có ít nhất ba thách thức chính mà Mỹ sẽ phải đối mặt nếu viễn cảnh Washington xúc tiến chiến tranh với Iran, theo ông Ahmadian.

Thứ nhất, các đối thủ lớn của Mỹ như Trung Quốc và Nga khả năng lớn sẽ ủng hộ sự kháng cự của Iran, dù chính thức hay không chính thức. Cả hai nước này đều đang bất mãn và bất an với chiến lược hướng Đông của Mỹ cũng như với các cuộc chiến tranh thương mại ông Trump gây ra. Và một cuộc chiến với Iran sẽ là một cơ hội để các cường quốc toàn cầu này chống lại Mỹ.

Thứ hai, xúc tiến chiến tranh với Iran sẽ khiến Mỹ bị quốc tế cô lập hơn rất nhiều so với sự cô lập mà Mỹ từng nếm trải thời gian qua khi quốc tế phản ứng với các chính sách không thân thiện của ông Trump. Hiện tại trong cộng đồng quốc tế đang có sự bất mãn với thái độ gây hấn của ông Trump với Iran. Trong khi đó uy tín của Iran lại đang đặc biệt cao, nhất là khi Iran thể hiện đã rất tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Thứ ba, một cuộc chiến với Iran gần như chắc chắn sẽ là một thảm họa lớn hơn nhiều thảm họa ở Iraq. Mỹ hiện chưa nắm được toàn bộ tiềm lực quân sự của Iran. Một thời gian dài bị cô lập khỏi các thị trường vũ khí châu Âu, Iran đã tự phát triển công nghiệp vũ khí nội địa của mình và thế giới vẫn chưa rõ hết về năng lực của vũ khí Iran.

Ông Ahmadian thừa nhận quân đội Iran vẫn ở cấp thấp hơn quân đội Mỹ nhưng vẫn mạnh hơn nhiều so với quân đội của Tổng thống Iraq Saddam Hussein vốn bị Mỹ đánh bại chỉ trong vòng vài tuần năm 2003. Quân đội Iran chẳng những đông hơn về quân số lại có sức chiến đấu và cả lý tưởng tốt hơn nhiều. Hơn nữa, địa hình đồi núi của Iran mang lại rất nhiều ưu thế cho quân đội nước này.

Khả năng Mỹ mở màn một cuộc tấn công đổ bộ vào Iran khó xảy ra, thể theo các ví dụ thất bại ở Afghanistan và Iraq, mà nếu có thì đó có thể là không kích. Và chắc chắn Iran sẽ không để yên. Iran có khả năng tấn công các căn cứ của Mỹ ở các nước láng giềng cũng như phá vỡ các tuyến đường cung cấp dầu trong khu vực, trong khi các đồng minh và bạn bè của Iran có khả năng sẽ leo thang chống lại quyền lợi chiến lược của Mỹ và của các đối tác Mỹ.

Iran có khả năng tác động đến ưu tiên chính của Mỹ ở khu vực - là giá dầu - mà không phải tốn nhiều công sức hay chi phí và cũng không phải viện tới một cuộc đối đầu quân sự nào. Iran có thể viện tới mạng lưới các nước bạn và đồng minh trong và ngoài khu vực để cản trở việc khai thác hay thương mại dầu toàn cầu nhằm đẩy giá dầu lên cao. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là một cơn ác mộng của Mỹ. Nhận định này không phải không có cơ sở khi Iran từng đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến đường biển lưu thông 1/4 lượng dầu thế giới, nằm trong sự kiểm soát của Iran - khi Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt các nước nhập khẩu dầu từ Iran. Iran nói thẳng nếu dầu mình không qua được eo biển Hormuz thì sẽ không dầu nước nào qua được eo biển này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm