Tướng Mỹ cảnh báo Trung Quốc sở hữu 'sát thủ diệt vệ tinh'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ Nikkei Asia ngày 9-9 dẫn lời Tướng John Raymond - tổng chỉ huy Lực lượng Không gian Mỹ - nói rằng an ninh của "biên giới cuối cùng" (hàm ý chỉ không gian) phải đối mặt "đầy đủ các mối đe dọa" từ Trung Quốc và điều này cần được đối phó bằng sự hợp tác của các đồng minh.

Trao đổi với tờ báo trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây, ông Raymond cho biết Trung Quốc đã chế tạo và đang xây dựng "mọi thứ từ thiết bị gây nhiễu có thể đảo ngược của hệ thống định vị GPS của chúng tôi - vốn cung cấp điều hướng và thời gian chính xác - đến gây nhiễu vệ tinh liên lạc".

Trung Quốc sở hữu 'sát thủ diệt vệ tinh'?

"Tôi tin rằng những khả năng mà họ đang phát triển này sẽ được tận dụng trong nỗ lực của họ trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào" – ông Raymond nói thêm.

"Họ có tên lửa có thể phóng từ mặt đất và phá hủy vệ tinh" – ông Raymond nhấn mạnh.

Một tàu chở hàng không gian Cygnus hoàn thành sứ mệnh vận chuyển hàng hóa kéo dài bốn tháng tại Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA

Tướng Raymond là người đầu tiên được chỉ định lãnh đạo Lực lượng Không gian, được thành lập vào năm 2019. Cơ quan này đóng vai trò là chi nhánh thứ sáu của quân đội Mỹ ở cấp độ tương đương với lục quân và hải quân.

Theo quan sát của ông Raymond, Mỹ phải đối mặt một miền không gian đã trở nên "cạnh tranh hơn rất nhiều".

“Không gian làm nền tảng cho tất cả các công cụ quyền lực quốc gia của chúng tôi, bất kể đó là ngoại giao, kinh tế, thông tin và an ninh quốc gia” – ông Raymond nói.

“Cạnh tranh quyền lực có phạm vi rộng lớn, hơn là chỉ cạnh tranh giữa các quân đội” – ông Raymond ám chỉ Nga và Trung Quốc, nói thêm rằng "nó liên quan tất cả các khía cạnh của các chính phủ. Không gian rất quan trọng đối với điều đó".

Theo ông Raymond, vệ tinh đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự của Mỹ, liên quan việc theo dõi chuyển động của đối phương hoặc tên lửa, hoặc xử lý thông tin liên lạc giữa các đơn vị.

“Tiếp cận không gian và tự do di chuyển trong không gian thực sự quan trọng” – ông Raymond nói.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng Mỹ đã giao phó quá nhiều khả năng của mình vào các tài sản không gian.

Bởi lẽ, nếu xung đột nổ ra với Trung Quốc hoặc Nga, một trong những điều đầu tiên đối phương có thể sẽ thực hiện là tấn công các vệ tinh của Mỹ nhằm gây tổn hại nghiêm trọng đến năng lực chiến đấu của Washington.

Ông Raymond đặc biệt quan tâm đến Trung Quốc về mặt này, theo đó cho biết Trung Quốc không chỉ đang phát triển "vệ tinh sát thủ" với cánh tay robot để vô hiệu hóa các vệ tinh khác, mà còn đang phát triển các tên lửa và thiết bị chống vệ tinh để gây nhiễu các dịch vụ GPS.

Hợp tác giữa các đồng minh trong không gian ngày càng quan trọng

Trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo đã lần đầu tiên ra thông cáo chung nêu rõ rằng một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào trong không gian sẽ kích hoạt Điều 5 yêu cầu phòng thủ tập thể.

Theo ông Raymond, điều này cho thấy rằng sự hợp tác với các đồng minh trong không gian ngày càng trở nên quan trọng.

Tướng John Raymond - tổng chỉ huy Lực lượng Không gian Mỹ. Ảnh: SPACENEWS

Người đứng đầu Lực lượng Không gian Mỹ cho biết các đồng minh của Washington nên cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc chia sẻ thông tin tình báo cũng như mở rộng các cuộc tập trận quân sự để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp về an ninh quốc gia.

Theo Nikkei Asia, chính quyền ông Biden mong muốn đi đầu trong việc thiết lập trật tự trong không gian. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 7 đã gửi một bản ghi nhớ liên quan "các nguyên tắc về hành vi có trách nhiệm trong không gian".

Các nguyên tắc bao gồm hạn chế "việc tạo ra các mảnh vỡ tồn tại lâu dài" và tránh "việc tạo ra nhiễu có hại", ám chỉ đến các hoạt động vệ tinh của một quốc gia. Tài liệu cũng kêu gọi việc liên lạc và thông báo giữa các quốc gia để cải thiện an toàn.

Để đạt được mục tiêu này, hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí về kế hoạch thúc đẩy quá trình xây dựng quy tắc quốc tế tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan toàn cầu khác.

Washington đã từ chối đề xuất của Trung Quốc và Nga, và các cuộc đàm phán về phi quân sự hóa không gian đã đi vào bế tắc. Trong khi nguy cơ xảy ra xung đột trong không gian ngày càng gia tăng, các rào cản đối với hợp tác quốc tế vẫn tồn tại.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm