Viện Khổng Tử Trung Quốc và nỗi lo 'con ngựa thành Troy' ở các nước

Tại Hàn Quốc và Nhật, nhiều chính trị gia và nhà hoạt động xã hội kêu gọi điều tra hoặc đóng cửa các cơ sở này, theo báo South China Morning Post. Hàn Quốc có 22 Viện Khổng tử TQ, nhiều hơn bất kỳ nước nào.

Một nhóm hoạt động cánh hữu cáo buộc các cơ sở này là “công cụ tẩy não” của TQ. Đầu tháng 6, ông Han Min-ho, cựu quan chức Bộ Văn hóa Hàn Quốc, dẫn đầu nhóm người biểu tình trước Đại sứ quán TQ ở Seoul phản đối sự hiện diện của các viện Khổng Tử TQ. Nghị sĩ Chung Kyung-hee thuộc đảng đối lập Sức mạnh nhân dân kêu gọi điều tra toàn diện hoạt động của các cơ sở này.

Học cách viết thư pháp chữ Hán tại một Viện Khổng Tử ở Brussels (Bỉ).
Ảnh: TÂN HOA XÃ

Bộ Giáo dục Nhật xác nhận sẽ điều tra toàn bộ 14 Viện Khổng Tử TQ ở nước này với cáo buộc các cơ sở này được sử dụng để tuyên truyền và thu thập thông tin tình báo.

Các trường đại học (ĐH) có các viện Khổng Tử TQ phải cung cấp chi tiết thông tin hoạt động của các cơ sở này, bao gồm cả mảng nghiên cứu học thuật và nguồn tiền hoạt động. Tại một cuộc họp Quốc hội tháng trước, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Koichi Haguida có nhắc đến “lo ngại ngày càng tăng ở nước đồng minh Mỹ, cũng như ở các nước châu Âu” về các viện Khổng Tử TQ.

Số phận các viện Khổng Tử TQ đã gặp khó ở Mỹ, nhiều nước châu Âu, Úc. Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ liệt các viện Khổng Tử TQ ở nước mình là “phái bộ nước ngoài” thuộc chính phủ TQ. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả các viện Khổng Tử TQ như “một thực thể thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh và gây ảnh hưởng xấu lên các trường học Mỹ”. Tính đến thời điểm tháng 4, Mỹ còn 47 cơ sở hoạt động so với hơn 100 cơ sở lúc trước.

Tại Úc, tháng trước, chính phủ liên bang yêu cầu các trường ĐH có Viện Khổng Tử TQ đến ngày 10-6 phải trình hợp đồng để kiểm tra. Tại châu Âu, các trường ĐH ở Thụy Điển, Đức, Bỉ đã cắt quan hệ hoặc đóng cửa toàn bộ Viện Khổng Tử TQ.

TQ hiện có hơn 500 Viện Khổng Tử ở 160 nước và lãnh thổ, kể từ khi mở cơ sở đầu tiên ở Seoul (Hàn Quốc) năm 2004. Các viện Khổng Tử TQ tồn tại dưới hình thức là các đối tác giáo dục giữa các trường ĐH, cao đẳng TQ với các trường ĐH, cao đẳng nước ngoài để dạy tiếng Hoa và phổ biến văn hóa TQ. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều cáo buộc rằng các cơ sở này được TQ sử dụng cho các chiến dịch tuyên truyền, thậm chí để hoạt động gián điệp. Trong bài viết đăng trên tạp chí Heritage thuộc Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation ngày 27-5, TS-sử gia Mỹ Lee Edwards ví Viện Khổng Tử TQ như “con ngựa thành Troy”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm