Những đất nước có lập trường cứng rắn, chống lại sức ảnh hưởng của phương Tây, đều thu được những thành quả khả quan.
Bất chấp các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên trong năm 2016 đã thực hiện thành công khoảng 20 vụ phóng thử tên lửa và đến hai vụ thử hạt nhân vào tháng 1 và tháng 9-2016. Trong đó, vụ thử hạt nhân vào tháng 9-2016 được đánh giá là vụ thử có sức công phá lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên. Các chuyên gia cũng nhận định công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã tiến bộ vượt bậc với hai lần vươn tới vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Những động thái này vừa là minh chứng cho các tiến bộ trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, vừa là lời đáp trả đanh thép của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đối với những sức ép từ Mỹ, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế.
Còn tại Philippines, kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 6-2016, Tổng thống Rodrigo Duterte đã có những phát ngôn vô cùng cứng rắn trước sức ép của các nước phương Tây đối với cuộc chiến chống ma túy do mình phát động. Ngay cả với đồng minh thân thiết truyền thống là Mỹ, ông Duterte cũng không ít lần có các ngôn từ gây tranh cãi. Chính quyền Manila cũng đẩy nhanh chính sách giảm phụ thuộc an ninh vào Mỹ và tăng cường hợp tác với các “đối thủ” của Washington là Nga và Trung Quốc.
Những giá trị mà các quốc gia phương Tây cổ súy bấy lâu nay như các tinh thần dân chủ tự do đã bị lung lay dữ dội trong năm 2016. Sự kiện trưng cầu dân ý Brexit, với kết quả là quyết định từ chức của Thủ tương David Cameron và chiến thắng của phe đòi rời khỏi EU, đã là một cú sốc lớn đối với EU nói riêng và khái niệm “phương Tây” nói chung. Trong cuộc đấu tranh năm 2016 với các tư tưởng cực hữu, bảo thủ và hẹp hòi, khái niệm về một “phương Tây” tự do, đoàn kết và mở cửa dường như đã thất thế.