Hãng tin AFP ngày 1-10 đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thông báo đặc phái viên về Pakistan và Afghanistan Marc Grossman sẽ đến Pakistan để khuyến khích Pakistan đấu tranh chống mạng lưới Haqqani (bị Mỹ lên án âm mưu tấn công đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan ngày 13-9).
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Tổng thống Obama đã kêu gọi chính quyền Pakistan quan tâm đến vấn đề mạng lưới Haqqani hiện diện trên lãnh thổ Pakistan. Ông khẳng định có mối liên hệ tích cực giữa Haqqani và người Pakistan.
Trong khi đó, chưa bao giờ Pakistan lại đoàn kết như hiện nay để đối phó với sức ép của Mỹ.
Ngày 29-9, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã chủ trì một cuộc họp đặc biệt để bàn về an ninh quốc gia. Tham dự có 59 đảng phái chính trị, tướng t ổng tư lệnh Ashfaq Kayani và tướng Ahmad Shuja Pasha, Giám đốc Cục Tình báo liên vụ.
Biếm họa của DAVID FITZSIMMONS (báo Mỹ The Arizona Star)
Tướng Pasha tuyên bố thẳng thừng: Mọi can thiệp quân sự của Mỹ chống các phần tử cực đoan ở Pakistan không thể chấp nhận được và có khả năng dẫn đến trả thù.
Cuối tuần trước, hàng trăm người khoác súng trường đã biểu tình chống Mỹ ở vùng Tây Bắc Pakistan. Họ hăm dọa sẽ tiến hành thánh chiến nếu Mỹ tấn công vào căn cứ của mạng lưới Haqqani ở Bắc Waziristan (Pakistan).
Mỹ xem Haqqani là tổ chức thân cận với Taliban và Al Qaeda. Ngày 28-9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng tuyên bố Mỹ đang xem xét đưa Haqqani vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Nếu Mỹ làm như thế, quan hệ Mỹ-Pakistan sẽ phức tạp hơn vì Pakistan có thể sẽ bị cấm vận vì hỗ trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quan hệ giữa Pakistan và Haqqani sâu xa và phức tạp hơn nhiều.
Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf từng phát biểu trên báo Telegraph (Anh) rằng Ấn Độ đang thiết lập một Afghanistan mới đối trọng với Pakistan. Báo nhận định Pakistan lo ngại phải đối đầu trên hai mặt trận với kẻ thù muôn thuở Ấn Độ ở phía Đông và Afghanistan ở phía Tây, vì thế sử dụng con cờ Haqqani để cân bằng với Ấn Độ. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu FATA (viện nghiên cứu chính sách độc lập ở Pakistan) Saifullah Mahsud nhận định Pakistan xem mạng lưới Haqqani là đồng minh lâu dài vì hai bên cùng có lợi tại Afghanistan.
Theo báo Miami Herald (Mỹ), Pakistan không dại gì tấn công Haqqani bởi biết chắc sẽ phải đương đầu với hàng ngàn chiến binh thánh chiến.
Một yếu tố nữa là vấn đề sắc tộc. Người Pashtun chiếm đa số ở Afghanistan và là sắc tộc lớn ở Pakistan. Taliban và mạng lưới Haqqani chủ yếu cũng thuộc sắc tộc Pashtun. Pakistan ủng hộ Haqqani đồng nghĩa ủng hộ người Pashtun vì Pakistan nghĩ rằng các sắc tộc Uzbek và Tajik đều đã bị Ấn Độ mua chuộc và Afghanistan chi phối.
Hằng năm, Pakistan nhận khoảng 3,5 tỉ USD viện trợ từ Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không dám cắt viện trợ bởi đã từng cắt viện trợ hồi năm 1990 nhưng không hiệu quả. Pakistan cũng có thể trả đũa bằng cách cắt đường vận chuyển của quân Mỹ vào Afghanistan.
Jalaluddin Haqqani (ảnh) từng chỉ huy phong trào thánh chiến Hồi giáo chống quân đội Liên Xô cũ ở Afghanistan và lập ra tổ chức cùng tên nhằm lật đổ chính quyền Afghanistan hiện tại. Theo báo Miami Herald (Mỹ), đối với nhiều người dân Pakistan, chiến tích 30 năm chống quân đội Liên Xô cũ và chống quân đội Mỹ đã biến Jalaluddin Haqqani thành thánh sống trong khu vực các bộ tộc. |
QUANG MINH (Mỹ)