Tạt acid ở Anh còn nhiều hơn Ấn Độ

Tuy nhiên, ông Jah Shah, Giám đốc tổ chức từ thiện quốc tế Acid Survivors Trust International, cho rằng chính Anh mới là nước có số vụ tấn công bằng acid nhiều nhất.

Cách đây một tháng, 1 giờ sáng 17-4, vào lúc khoảng 600 khách đang vui chơi trong hộp đêm Mangle ở phố Dalston tại London, bất chợt một gã thanh niên dùng acid tạt vào đám đông. 22 nạn nhân bị bỏng nặng cần chăm sóc y tế suốt đời, trong đó có hai thanh niên bị mất một phần thị lực.

Nguyên nhân tạt acid do hai nhóm tranh giành mua bán ma túy cãi vã nhau trong hộp đêm. Hung thủ Arthur Collins, 25 tuổi lại là bạn trai của cô Ferne McCann, ngôi sao dẫn chương trình truyền hình thực tế từng đoạt vương miện Miss Essex 2012.

Theo thống kê của cảnh sát Anh, số vụ tấn công bằng acid đã tăng 74% trong vòng một năm. Năm 2016 xảy ra 454 vụ trong khi năm 2015 chỉ có 261 vụ. Từ năm 2010 đã có hơn 1.800 vụ tạt acid được ghi nhận ở London.

Cô Ferne McCann (phải) khóc nấc trong chương trình This Morning của đài ITV (Anh) ngày 11-5. Ảnh: ITV

Ở các nước thường xảy ra nạn tạt acid như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Colombia, xã hội vẫn còn tồn tại thói gia trưởng. Phần lớn các vụ tạt acid do đàn ông ra tay với phụ nữ. Nguyên nhân do yếu tố tình ái, không chịu quan hệ tình dục hay không chịu kết hôn. Đa số phụ nữ đều bị tạt acid vào mặt.

Trong khi đó ở Anh, phần lớn các vụ tạt acid do thanh niên ra tay và 2/3 số nạn nhân cũng là thanh niên. Các nạn nhân thường bị tạt acid vào thân thể chứ không chỉ vào mặt.

GS Simon Harding ở ĐH Middlesex nhận xét hành vi sử dụng acid tấn công đã xảy ra từ thế kỷ 19 dưới thời nữ hoàng Victoria. Tuy nhiên, hiện nay đáng lo ngại là các băng nhóm rất thích sử dụng acid. Hơn 50% số vụ tạt acid xảy ra ở khu vực East End phía Đông London, địa bàn của nhiều băng nhóm.

Các băng nhóm thích acid vì mua acid quá dễ, tuổi nào mua cũng được, mua ở đâu cũng có. Acid lại rẻ tiền và ít để lại dấu vết nên khó điều tra. Về pháp lý, dùng dao tấn công là hành vi giết người sẽ bị phạt nặng, còn dùng acid chỉ được xem là hành vi cố ý gây thương tích nên bản án nhẹ hơn.

Giám đốc Jah Shah ghi nhận vấn đề ngăn ngừa nạn tạt acid ở Anh vẫn đang trong giai đoạn mò mẫm. Ông nhận xét: “Chừng nào chúng ta chưa xác lập loại acid nào được sử dụng nhiều nhất, động cơ gây án là gì, chân dung điển hình của thủ phạm và nạn nhân thì chúng ta không thể đưa ra chiến lược ngăn chặn thích đáng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm