Thế giới hoảng sợ phóng xạ ở Nhật

6 giờ 14 theo giờ địa phương ngày 15-3, lò phản ứng số 2 ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 phát nổ. 15 người bị thương, 190 người bị nghi phơi nhiễm phóng xạ. Đây là vụ nổ lò phản ứng thứ ba tại nhà máy này.

Công ty Tokyo Electric Power (TEPCO) cho biết nguyên nhân nổ có thể do bể nén trong lò bị hỏng, áp suất giảm và phóng xạ có thể đã rò rỉ ra ngoài. 90 phút sau vụ nổ, mức phóng xạ lên đến 1.941 microsievert/giờ ở cổng nhà máy. 40 phút sau đó, mức phóng xạ tăng vọt 8.217 microsievert/giờ, tức cao gấp 400 lần.

Ba tiếng rưỡi sau vụ nổ, lò phản ứng số 4 phát cháy. Đến chiều, nước trong lò sôi lên và mực nước trong lò xuống thấp.

Lúc vụ nổ xảy ra có gió thổi 1,5 m/giây về hướng thủ đô Tokyo. Tối 15-3, mức phóng xạ tại TP Iwaki (tỉnh Fukushima) cao gấp 470 lần, tại tỉnh Ibaraki cạnh tỉnh Fukushima cao 100 lần, tại tỉnh Chiba cạnh Tokyo cao gấp chín lần. Tại Tokyo đã phát hiện một lượng nhỏ phóng xạ iodine và cesium trong không khí.

Thế giới hoảng sợ phóng xạ ở Nhật ảnh 1

Bốn lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ngày 15-3. Ảnh: AFP (chụp từ vệ tinh)

Ngay sau vụ nổ, 800 công nhân nhà máy đã sơ tán. 50 công nhân ở lại bơm nước biển làm mát lò. Thủ tướng Naoto Kan đã kêu gọi 140.000 người dân trong bán kính 20-30 km ở nhà để tránh nhiễm phóng xạ.

Bộ Giao thông Nhật đã lập vùng cấm bay trong bán kính 30 km quanh nhà máy. 10 TP có nhà máy điện hạt nhân đã kiểm tra ngay phương án bảo đảm an toàn. Mỹ đã gửi đội chuyên gia hạt nhân đến nhà máy Fukushima số 1.

3.373 người chết vì động đất và sóng thần. Tối ngày 15-3, đài truyền hình NHK (Nhật) đưa tin theo số liệu chính thức của cảnh sát. Trong đó ở tỉnh Miyagi 1.337 người, tỉnh Iwate 1.193 người, tỉnh Fukushima 494 người, thủ đô Tokyo bảy người.

Sự nguy hiểm của phóng xạ rò rỉ đang tăng.

Thủ tướng Nhật NAOTO KAN phát biểu ngày 15-3

Dù thủ tướng Nhật kêu gọi bình tĩnh và Tổ chức Khí tượng thế giới trấn an gió sẽ thổi phóng xạ ra đại dương nhưng người dân Nhật và nhiều nước vẫn lo sợ. Người dân Tokyo đổ xô đi tích trữ thực phẩm, nến thắp, xăng dầu, nước…

Đại sứ quán hai nước Đức và Pháp đã khuyến cáo công dân rời Nhật. Bộ Ngoại giao Anh khuyến cáo công dân hủy mọi chuyến đi không cấp thiết đến Tokyo và đông bắc Nhật. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi công dân tránh đến Nhật.

Nga cho biết mức phóng xạ tại vùng Viễn Đông (cách nhà máy Nhật 1.000 km) có tăng nhẹ nhưng trong giới hạn cho phép. Thủ tướng Putin đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ công nghệ điện hạt nhân.

Đại sứ quán Hàn Quốc đã tiến hành đưa công dân về nước. Trong ngày có khoảng 200 công dân Hàn Quốc rời Nhật. Hàn Quốc đã trang bị dụng cụ kiểm tra phóng xạ tại cảng Incheon để kiểm tra khách đến.

Đại sứ quán Trung Quốc thông báo sẽ sơ tán công dân tại khu vực thảm họa và gần nhà máy Fukushima số 1. Theo đại sứ quán, chưa có dấu hiệu phóng xạ từ Nhật lan tới Trung Quốc. Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan hủy nhiều chuyến bay đi và đến Nhật.

Ngày 15-3, Liên minh châu Âu (EU) đã họp khẩn cấp để bàn khả năng ứng phó của các nước EU nếu xảy ra thảm họa như Nhật. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố ba tháng nữa mới quyết định kéo dài hoạt động của 17 nhà máy điện hạt nhân lên 12 năm. Đức tạm đóng cửa bảy lò phản ứng để kiểm tra. Thụy Sĩ đã ngưng xây dựng ba nhà máy điện hạt nhân.

Ngày 15-3 tại Philippines, hàng trăm người dân đã biểu tình trước dinh tổng thống ở Manila (ảnh: AFP) nhằm phản đối kế hoạch cho nhà máy điện hạt nhân Bataan hoạt động trở lại. Chính phủ mất tám năm và tiêu tốn 2,3 tỉ USD để hoàn thành công trình này năm 1984. Hai năm sau, Thanh tra an toàn Quốc tế kiểm tra và cho biết nhà máy không an toàn vì gần núi lửa và vùng đứt gãy động đất.

ĐĂNG KHOA - KHÁNH UYÊN (Theo BBC, The Star)

THIÊN ÂN - KHÁNH UYÊN (Theo Kyodo, AFP, Reuters, Japan Today)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm