Thế hệ dây đàn

Vài hôm nay, tôi viết một bài về những gương mặt xuất sắc, được làm sếp khi còn là sinh viên. Họ có một điểm chung dễ đoán vô cùng: Thiếu thời gian. Họ thiếu thời gian ngủ, thời gian ăn, còn thời gian chơi, thời gian yêu là thứ xa xỉ. Họ có một hậu quả chung dễ biết là stress, là trầm cảm, là căng như sợi dây đàn và cũng dễ đứt như sợi dây đàn.

Thế hệ dây đàn ảnh 1
Bạn tôi là một sinh viên giỏi. Cậu ấy thích học, nên học giỏi chẳng có gì đáng bàn. Nhưng thành tích học tập, kiến thức tiếp thu được, và những tin tưởng của lãnh đạo khi đi làm phải đánh đổi bằng những ngày tháng triền miên vùi đầu vào sách vở, tiết kiệm thời gian và kiểm soát tâm trí để không bị cám dỗ bởi những thứ mà người trẻ tuổi nào cũng có quyền bị cám dỗ, như giải trí, tình yêu, hay đơn giản là lười một chút. Bạn tôi vẫn đang cần mẫn trên con đường của cậu ấy, tôi đoán thế, vì cũng đã lâu rồi không trò chuyện nhiều. Tôi biết hai bạn sinh viên không chỉ học giỏi mà còn tài năng và đam mê. Tôi ngồi trò chuyện với một bạn mà muốn rơi nước mắt, vì sao em làm được nhiều như thế với 24h mỗi ngày và dáng vóc bé nhỏ, mảnh khảnh thế kia. Tôi ngồi trò chuyện với một bạn thì thở dài âm thầm, vì em nói bận lắm và chặng đường tương lai của em còn dài, nhiều khó khăn nên chưa định có người yêu. Em cũng hào hứng khoe với tôi là em rất chăm đọc báo để cập nhật tình hình tin tức. Nhưng cuộc sống trên báo chưa bao giờ là cuộc sống thật, vì nó đã được phản ánh bằng mắt nhìn chủ quan của nhà báo, phóng viên nào đó rồi. Tôi khâm phục hai em, nhưng cũng buồn vì những gì các em phải đánh đổi. Tôi tin rằng các em không thấy mình phải đánh đổi gì nhiều, nhưng tôi ước gì cuộc sống của các em cân bằng hơn. Bạn tôi có một kẻ đãng trí, đến nỗi mà giao hẹn việc gì tôi cũng thắc thỏm bởi 80% là cậu ấy sẽ lại quên. Thế mà đến tận hôm nay, lôi cậu ấy ra hỏi vài câu gọi là phỏng vấn, tôi mới giật mình, vì hóa ra cậu ấy là một dây đàn căng đến mức dễ đứt nhất. Nếu một ngày chỉ ngủ vài ba giờ, ăn một bữa, khối lượng công việc khổng lồ, và sức ép từ khách hàng, tiền nong, cuộc sống là "bạn truyền kiếp", có lẽ chẳng ngạc nhiên nếu bạn tôi bị stress, thậm chí trầm cảm. Cậu bạn này nhỏ hơn tôi 2 tuổi, nhưng bị nói là nhìn già hơn tôi 8 tuổi. Dĩ nhiên đây là câu nói vui, nhưng cũng tạm đủ để biết làm một dây đàn như cậu phải trả giá những gì. Tôi khâm phục những dây đàn vì đam mê của mình mà dám căng ra, dẫu biết rằng chùng xuống một chút sẽ dễ dàng hơn. Dây đàn chùng chẳng bao giờ làm được một bản nhạc hay, nhưng dây đàn căng quá thì dễ đứt. Tôi từng thương cậu bạn thứ nhất vì cậu chọn làm dây đàn. Tôi đã thương hai sinh viên thứ 2 và 3, vì các em đam mê và nghị lực đến vậy. Tôi đã ngồi đỏ hoe mắt thương cậu bạn thứ 4 vì phải nhờ đến công việc tôi mới thấu hiểu mức độ nỗ lực mà cậu đã, đang và sẽ còn phải bỏ ra. Tôi biết, ai cũng là một dây đàn của cây đàn xã hội, cũng mong muốn có được những tiếng nhạc hay nhất cho bài hát cuộc đời. Nhưng mỗi người chọn một nỗ lực khác nhau và độ căng khác nhau. Bản nhạc hay nhất sẽ được làm nên từ những dây đàn căng mà không đứt. Mong cho tất cả những dây đàn đang gồng mình để căng, mong cho chính bản thân mình luôn nỗ lực không ngừng, nhưng không bao giờ để bị đứt!
Theo VNN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm