Thiêu thân trên đống lửa... chứng khoán

Đáng nói là ngoài những nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp méo mặt thì những NĐT chứng khoán “bất đắc dĩ” và những người chơi chứng khoán tài tử cũng bị “văng miểng”. Nhiều gương mặt đờ đẫn, méo xệch.

Từ những nhà đầu tư chứng khoán bất đắc dĩ, tài tử...

Không chỉ có giới giàu có mới là những NĐT chứng khoán, mà rất nhiều thị dân thuộc tầng lớp trung lưu - thậm chí thuộc diện nghèo vẫn chơi chứng khoán. Có người chơi cho biết hoặc để thử thời vận và những NĐT chứng khoán “bất đắc dĩ” là những cán bộ, công nhân viên được các công ty, nhà máy quốc doanh cổ phần hóa, bán “cổ phần ưu đãi” cho. Có công ty làm ăn hiệu quả như Vinamilk thì cổ phần ưu đãi là “con gà đẻ trứng vàng” khi giá ưu đãi chỉ 40.000 đồng nhưng giá trên sàn chứng khoán hiện nay trên dưới 140.000 đồng/cổ phiếu, tức lời ròng cả trăm ngàn/cổ phiếu. Nhưng con số công ty làm ăn ngon lành như Vinamilk không nhiều. Có nhiều công ty làm ăn ì ạch, thua lỗ nhưng thiếu minh bạch khi cổ phần hóa, bán “cổ phần ưu đãi” cho cán bộ, công nhân viên. Sau khi mua ít lâu mới biết thì sự đã muộn rồi, giá cổ phiếu liên tục giảm trên sàn chứng khoán. Mọi chuyện tệ hại chỉ vì các thành viên trong hội đồng quản trị công ty không minh bạch, khi lên sàn chứng khoán thì thiệt hại người lao động lãnh đủ, mấy ông lãnh đạo vẫn ung dung, phè phỡn!

Một người bạn tôi là cán bộ kỹ thuật một công ty quốc doanh (không tiện nêu tên), khi cổ phần hóa, anh được mua theo tiêu chuẩn 1.000 cổ phiếu, giá 20.000 đồng/cổ phiếu ưu đãi. Anh gom tiền tiết kiệm và mượn gia đình mua thêm 4.000 cổ phiếu của các đồng nghiệp không muốn mua hoặc không tiền mua. Anh trả phụ trội cho họ 5.000 đồng/cổ phiếu. Tất cả hết hơn trăm triệu đồng. Khi lên sàn chứng khoán giá 30.000 đồng/cổ phiếu nhưng chỉ sáu tháng sau giá sụt thê thảm, chỉ còn hơn một nửa giá ban đầu. Bạn tôi bảo “lỡ chơi thì chơi luôn”. Đến cuối năm, cổ tức không được chia do công ty liên tiếp thua lỗ, còn giá cổ phiếu của anh trên thị trường chỉ còn 10.000 đồng. Tiền mượn gia đình đến ngày phải trả, tiền dành dụm mua xe máy cho con khi vào đại học như đã hứa không thực hiện được. Vợ nhăn nhó, con hờn giận, gia đình dằn xóc, bạn tôi mặt mày méo xệch.

Một trường hợp khác “chơi chứng khoán tài tử”. Thằng cháu tôi là chuyên viên công nghệ thông tin, tuổi gần 30. Nó dành dụm được hơn trăm triệu đồng để năm sau cưới vợ. Không biết nghe lời ai, nó chơi chứng khoán. Nó bảo: “Cháu thử thời vận xem, biết đâu lãi đậm, sang năm cháu mua nhà, cưới vợ”. Tới cuối năm rồi công ty nhựa đó phá sản, thằng nhỏ trắng tay. Nó nói: “Cậu ơi, thôi chuyện cưới vợ để vài năm nữa, bây giờ cháu phải cày tối đa, nhận design thêm sách báo vào ban đêm để bù lại”...

... Đến những nhà đầu tư chuyên nghiệp

Chứng khoán như có ma lực. Người nào đã dính tới chứng khoán, dù thắng dù thua cũng đều khó bỏ. Thậm chí họ “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán” - nhại theo một slogan bóng đá. Tôi xin kể một trường hợp khá tiêu biểu mà tôi tận mắt chứng kiến: Một chị bạn tôi đang là một chuyên viên ở Bộ Tài chính, chồng chị là giám đốc một công ty xây dựng lớn. Có nghĩa là gia đình chị thuộc loại khá giả. Khi thị trường chứng khoán TP.HCM vừa thành lập, chị tính chơi cho biết hay thử thời vận gì đó. Ban đầu chị giấu chồng nhưng khi trúng lớn thì không giấu nữa. Mua đất, mua thêm nhà, mua xe hơi.

Hai năm sau, chị thua đậm. Chị bỏ việc cơ quan. Bao nhiêu nhà đất, xe cộ bán ráo cũng không đủ. Càng chơi càng thua càng cay cú. Chị vay mượn khắp nơi, kể cả lén chồng vay mượn bạn bè anh. Ban đầu họ nể, cho chị mượn không báo anh nhưng khi chị bị “say” chứng khoán, người đờ đẫn, nợ nần chồng chất thì không thể giấu nữa. Thua keo này, chị lại bày keo khác. Cũng có khi chị trúng nhưng chẳng thấm vào đâu so với đống nợ. Ba lần chị “bày” như thế, anh chồng hết kiên nhẫn, viết đơn đòi ly dị. Chị uống thuốc ngủ tự tử hụt, nhờ phát hiện kịp đưa đi bệnh viện súc ruột, anh chồng mới nghĩ lại. Cha mẹ chị cũng hết lời khuyên bảo, gia đình mới tạm yên khi chị tạm thời “án binh bất động”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm