Cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực

TS Võ Đại Lược (ảnh) là viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới từ năm 1980 đến 2002. Suốt thời gian đó, ông là thành viên nhóm cố vấn cho Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chuyên gia tư vấn cho Tổng Bí thư Đỗ Mười, là thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. Hiện ông là tổng giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Khai phóng tư tưởng phát triển

. Phóng viên: 30 năm đổi mới, theo ông thành tựu nào là nổi bật nhất của Việt Nam?

+ TSKH Võ Đại Lược: Đó là việc xóa bỏ được cơ chế kế hoạch, tập trung quan liêu bao cấp và bắt đầu việc xây dựng một cơ chế thị trường.

Sự thực, quá trình xác lập kinh tế thị trường kéo dài 30 năm nhưng chưa thể nói là hoàn thành được. Vì cơ chế thị trường của Việt Nam hiện nay so với các nước tiên tiến vẫn còn khoảng cách xa. Tư duy kinh tế có những bước tiến nhưng rất chậm. Cách làm kinh tế thị trường của ta khác quá xa so với thế giới. Chúng ta đang hội nhập rất nhanh, rất mạnh và chúng ta đang cạnh tranh toàn cầu. Nhưng thể chế còn bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

. Chúng ta vẫn nghe nói: vị thế đất nước, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, thưa ông?

+ Tôi cho rằng đó là cách diễn đạt đúng khi so sánh ta với ta. Năm 2016, Việt Nam đã rất khác biệt so với thời điểm 1986. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước thì chúng ta vẫn tụt hậu, đã qua 30 năm đổi mới nhưng chúng ta có những vướng mắc về hệ tư tưởng phát triển.

Không có nền kinh tế phát triển nào lại có những hệ tư tưởng phát triển giống chúng ta. Việt Nam chưa thể tiến lên nhưng cũng không thể thụt lùi. Chúng ta đã có định hướng phát triển XHCN. Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải đi theo con đường nhân loại đã đi, chỉ có một điểm khác biệt đó là rút ngắn đường đi lại. Đảng lãnh đạo đất nước cần nhắm mục tiêu mà chúng ta đã kiên định về CNXH là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tôi cho rằng đây là định nghĩa đúng đắn nhất về CNXH.

Hãy nhìn sang Singapore: không có tham nhũng, môi trường xã hội, pháp lý, kinh doanh… đều trong sạch. Điều này do Singapore đã áp đặt thể chế của một nước tiên tiến là Vương quốc Anh để phát triển.


Thu hút và sử dụng đúng nhân tài sẽ góp phần vào sự phát triển của đất nước. Ảnh: HTD

Cơ chế xin-cho và việc kiểm soát quyền lực

. Năm 1986, có nhiều lý do khiến Việt Nam phải đổi mới. Thời điểm 2016, liệu có những yêu cầu về đổi mới lần thứ hai hay không?

+ Những tư duy phát triển của thời kỳ đổi mới 1986 đến nay xem như đã được tận dụng và phát huy tác dụng hết rồi. Tôi mong muốn có công cuộc đổi mới lần thứ hai nhưng không phải bắt nguồn từ kinh tế. Công cuộc đổi mới này khó khăn hơn rất nhiều.

Sự thực, kinh tế chúng ta đang là thị trường, đó là công cuộc đổi mới rất tốt. Tuy nhiên, sự lãnh đạo của đảng vẫn chưa khác biệt. Cơ chế xin-cho vẫn đang chi phối kinh tế và bộ máy hành chính, kể cả lập pháp và tư pháp. Điều này dẫn đến việc quyền lực không được kiểm soát.

Gần đây, tôi rất chú ý đến phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Chẳng hạn Singapore, tuy độc đảng nhưng có hệ thống “tam quyền phân lập” và quyền lực được kiểm soát rất tốt; Tổng thống Pak Chung Hee là anh hùng dân tộc của Hàn Quốc nhưng quyền lực của ông ta vẫn bị kiểm soát.

Sự đồng bộ giữa kiểm soát quyền lực và kinh tế vẫn chưa tương thích. Tôi lấy ví dụ: Việt Nam đã thông qua Luật Phá sản nhưng chỉ có hơn 80 doanh nghiệp phá sản theo luật. Hay Luật Tài nguyên môi trường đã có nhưng khi vụ Vedan xảy ra thì không xử lý bằng luật được. Luật Cạnh tranh cũng thế… Hệ thống pháp luật của ta chưa theo kịp thực tiễn, một phần do tính độc lập của lập pháp chưa cao.

Tôi sang Canada, văn phòng của một nghị sĩ có tới 25 người, bao gồm cả những luật sư giỏi. Nhưng ở ta, các bộ là cơ quan trình dự thảo luật. Quốc hội chỉ bàn về câu chữ, văn chương… chứ không bàn được nội dung của luật. Tính độc lập vì thế chưa cao.

. Vậy trong vấn đề kiểm soát quyền lực, Đảng nên thể hiện vai trò như thế nào?

+ Tôi từng phát biểu: Cần phải có luật về Đảng. Ta đã có Luật Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ. Vậy cũng nên có luật về Đảng. Đảng không nên làm thay mà cần đổi mới về phương thức lãnh đạo trong việc quản trị và điều hành quốc gia.

Nhật Bản từng “xuất Á, nhập Âu” nhưng cái quan trọng nhất lại là nhập thể chế. Nhờ vậy mà nhập được cả công nghệ hiện đại để phát triển. Hàn Quốc đã “nhập” thể chế này từ Nhật Bản.

. Chung quy lại, chúng ta đang nói về vai trò của Đảng trong phát triển đất nước. Nhiều vị lãnh đạo cũng từng nói phải thay đổi phương thức lãnh đạo của đảng. Theo ông, những thay đổi cụ thể cần phải thế nào?

+ Tôi nghĩ trước hết Đảng phải đổi mới tư duy phát triển. Nếu vẫn tư duy xin-cho thì đương nhiên sẽ phát sinh nhiều vấn đề: tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Cơ chế xin-cho là cái gốc của vấn đề.

Việc đổi mới tư duy phát triển lần này có một câu trong dự thảo văn kiện đại hội rất quan trọng: Đổi mới thể chế theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Cần làm rõ hiện đại là thế nào. Hiện đại phải theo thể chế tiên tiến nhất, hiện đại nhất thế giới. Những gì là đỉnh cao của nhân loại về thể chế, chúng ta nên theo.

Tôi từng phát biểu với Hội đồng Lý luận Trung ương: Marx đã từng nói CNXH chỉ hoài thai và phát triển ở những thể chế tiên tiến nhất. Cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CNXH hiện nay phải là kinh tế tri thức. Chúng ta cần tìm hiểu những biểu hiện của CNXH đang được thể hiện sâu sắc ở những thể chế tiên tiến nhất thế giới, từ cơ sở phát triển đến sở hữu, phân phối tài sản và thừa nhận nó.

Tập hợp nhân tài

. Chúng ta vẫn nghe quan điểm: Đảng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội. Để đất nước phát triển và dân chủ hơn nữa, theo ông cần làm gì để việc phát triển và dân chủ trong Đảng lan tỏa ra ngoài xã hội?

+ Tôi cho rằng một nước kém phát triển như chúng ta cần một cơ chế để đưa những người xuất chúng, tài năng vào bộ máy công quyền, bộ máy điều hành đất nước. Làm được điều này, ta sẽ có một nền kỹ trị, sẽ có thể chế tốt, quản trị công tốt.

Người tài hiện nay phần lớn đi làm cho nước ngoài và tư nhân, “lọt” vào được cơ quan nhà nước thì ít nhưng thường cũng ra đi sau một thời gian ngắn.

Tại sao thời xưa, khi một người thi đỗ trạng nguyên được bổ nhiệm làm quan ngay, bất kể tuổi tác.

Đối với người làm chính trị, 60 tuổi có thể coi là độ chín. Có thể có những người tài không đợi tuổi. Đại sứ Canada từng nói với tôi: Hơn 10 năm trước Canada cũng từng áp dụng quy định này. Nhưng sau một năm, lập tức quy định này bị bãi bỏ vì nguy cơ tinh hoa không tiếp tục được trọng dụng.

. Nhưng có ý kiến cho rằng nếu bỏ quy định này sẽ khó tạo cơ hội cho người trẻ?

+ Đó chỉ là một trong những lý do nhắm đến những lợi ích khác. Nhưng nút thắt lớn nhất của chúng ta hiện nay vẫn là cơ chế tuyển dụng nhân tài. Chỉ có nhân tài mới sản sinh ra được thể chế tốt, cơ chế kiểm soát tốt và cơ chế thực thi tốt.

. Tôi muốn hỏi cụ thể hơn: Làm thế nào để phá bỏ được cơ chế xin-cho? Bởi nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó.

+ Tôi nghĩ nếu có cơ chế kiểm soát quyền lực công khai, minh bạch như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói thì đương nhiên cơ chế xin-cho mới được dẹp bỏ. Thực hiện nội dung, bản chất quan trọng của pháp quyền XHCN thì cơ chế này mới hết đất nảy nở.

Tư duy lãnh đạo

Người lãnh đạo phải có tư duy ngang tầm thời đại. Nếu tư duy đi trước thời đại thì càng tốt. Tư duy ấy cần phải lồng thêm một chữ “Công”, là tận tâm vì đất nước. Một yếu tố quan trọng nữa là người lãnh đạo cần phải tập hợp được nhân tài xung quanh mình, chân thành lắng nghe để được tư vấn những đường hướng, chiến lược đúng đắn. Những lãnh đạo tầm quốc gia đều phải lựa chọn và thành lập ban tư vấn. Pak Chung Hee chẳng hạn, là một người luôn lắng nghe những người giỏi nhất thế giới.

Cuộc sống thì luôn thay đổi và nhận thức của con người luôn bất cập. Tinh thần đổi mới luôn phải được cập nhật. Chứ không phải đổi mới xong rồi… nghỉ ngơi. Tôi cho rằng tư duy của cả loài người luôn bất cập với thực tiễn. Chẳng hạn sự phát triển toàn cầu đang diễn ra như vũ bão nhưng một cơ chế quản trị toàn cầu vẫn chưa hình thành. Chỉ cần Bắc Triều Tiên nói họ chế tạo ra bom nhiệt hạch thì cả thế giới đã lo ngại.

TS VÕ ĐẠI LƯỢC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm