TP.HCM, Bình Dương kêu gọi bà con các tỉnh yên tâm ở lại

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 sáng 3-8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã thông tin về việc đưa người dân từ TP.HCM về quê trong thời gian giãn cách xã hội.

TP.HCM đã tổ chức cho 7.000 người về quê

Ông Đức cho biết ngày 20-7, Văn phòng Chính phủ có công văn, trong đó chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương, nhất là địa phương đang giãn cách xã hội tăng cường quản lý người dân, hạn chế tối đa người dân di chuyển ra khỏi địa phương…

Từ giữa tháng 7, TP.HCM đã nhận được đề nghị của các địa phương về việc phối hợp đưa người dân về quê. Từ ngày 20-7 đến nay, TP.HCM đã tổ chức đưa 7.023 người từ TP.HCM về các tỉnh Quảng Nam (1.399 người), Phú Yên (1.141), Thừa Thiên-Huế (929), Hà Tĩnh (748)... Tất cả người này đều được xét nghiệm và có kết quả âm tính mới được về quê.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo, tại buổi họp báo. Ảnh: H.LAN

Theo ông Đức, gần đây có tình trạng người dân tự ý về quê bằng xe máy gây mất an ninh trật tự và không đảm bảo phòng chống dịch. UBND TP đã ban hành Công văn số 2544 ngày 30-7 gửi các tỉnh, thành để phối hợp chặt chẽ đưa người dân có nguyện vọng về quê.

“Trong tình hình hiện nay, TP rất cố gắng, nỗ lực và tạo điều kiện cho người dân các địa phương lưu trú tại TP.HCM có được sự hỗ trợ để duy trì cuộc sống, sức khỏe” - ông Đức nói và mong bà con phối hợp, TP sẽ tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân đang sinh sống trên địa bàn TP tốt nhất có thể.

Ông Đức cũng khẳng định trong việc phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước, TP.HCM sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để đáp ứng nguyện vọng của người dân. Vì vậy, ông mong người dân không tự ý di chuyển về quê mà phải có tổ chức, bởi theo quy định hiện nay các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 thì người dân không được di chuyển tự phát. Ông mong bà con hết sức bình tĩnh, TP hứa sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống trong thời gian ở lại TP.HCM.

Nên tính toán ở bình diện quốc gia

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, ĐH Fulbright, cho biết hiện người dân có nhu cầu về quê nhưng khó giải bài toán nếu vượt quá khả năng chống dịch của địa phương. Về mặt khoa học, cho người dân về là vi phạm nguyên tắc khoanh dịch, chống dịch và cách ly dịch.

Chưa hết, nếu địa phương này đón về mà địa phương khác không đón sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân, trong khi đó hoàn cảnh mỗi địa phương có khả năng chống dịch khác nhau. Về việc cách ly ở các địa phương, nếu người dân tự cách ly tại nhà theo lý thuyết thì sẽ ổn nhất vì không gây thêm gánh nặng cho xã hội nhưng nó có rủi ro trong việc chấp hành, gây nguy cơ lây lan dịch.

Do đó, Chính phủ nên có phương án hỗ trợ người dân làm sao cho người dân yên tâm và ở lại TP, không phải lo lắng về vấn đề ăn, ở.

Còn đối với các tỉnh, TP khác, thay vì san sẻ bằng cách đón người dân về quê thì dùng nguồn lực của các tỉnh để hỗ trợ cho TP.HCM. Đơn cử như ủng hộ, quyên góp số tiền ăn, tiền xe khách đi lại hay các chuyến hàng cứu trợ cho TP.HCM để hỗ trợ người dân “ở đâu ở yên đấy”.

T.NHUNG - T.TRINH 

Gây áp lực và gần như bất khả thi

Về vấn đề này, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ thực hiện Chỉ thị 16 trên tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”, hạn chế việc di chuyển giữa các địa bàn.

Theo ông Mãi, TP.HCM hiện đang có cả hàng triệu người đang học tập, lao động. Việc tổ chức đón người về quê lớn trong một khoảng thời gian nhất định sẽ gây áp lực và gần như bất khả thi trong tổ chức, đặc biệt là công tác tiếp nhận người giữa các địa phương. “Cá nhân tôi đánh giá không thể nào thực hiện được trong thời gan ngắn... Chúng tôi đề nghị bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại TP.HCM” - ông Mãi nói và nhắn nhủ người dân chịu khó cùng TP.

Ông Mãi khẳng định TP sẽ tập trung mọi nguồn lực, huy động mọi sự trợ giúp trong cả nước, kể cả huy động ngân sách, quỹ dự trữ của TP để đảm bảo chăm lo cho người dân. “Chúng tôi cam kết không để bà con thiếu đói. Các nguồn lực xã hôi và ngân sách sẽ được huy động để phục vụ chăm lo cuộc sống cho bà con” - ông Mãi hứa.

Cụ thể, TP đã có những động thái tích cực để chăm lo cho người dân như thành lập Trung tâm điều phối viện trợ cấp thành cho đến cấp quận, cấp xã/phường, phát huy mạng lưới các cơ sở chính trị, các đoàn thể, tổ chức tình nguyện. “Thành ủy chỉ đạo từng chi bộ, đảng viên trên các địa bàn phải nắm chắc số lượng bà con khó khăn để chăm lo cho bà con. Chúng tôi xác định việc chăm lo này không chỉ một tuần, hai tuần mà có thể nhiều tháng nữa” - ông Mãi nói.

Ông mong người dân, các cơ quan báo chí, các địa phương kịp thời cung cấp thông tin về những hoàn cảnh khó khăn để TP kịp thời hỗ trợ. “Do số lượng người dân ở TP đông, có thể chúng tôi không bao quát được hết nhưng tinh thần là chăm lo tất cả bà con. Bà con chủ động liên hệ địa phương và tổng đài 1022 - bấm phím số 2. Sắp tới, chúng tôi sẽ củng cố hệ thống thông tin cũng như có thêm nhiều công cụ liên lạc để bà con gửi phản ánh, qua đó TP sẽ ghi nhận và kịp thời chăm lo cho bà con” - ông Mãi khẳng định.

Bình Dương: Hỗ trợ tốt nhất để bà con ở lại

Ngày 3-8, Bình Dương không còn tình trạng người dân ồ ạt về quê bằng xe máy như trước.

Theo một cán bộ chốt kiểm soát trên đại lộ Bình Dương (đoạn giao nhau giữa TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một) có người chở đồ đạc, con cái đi về các tỉnh Tây Nguyên, được lực lượng trực chốt giải thích và yêu cầu quay trở lại. Nếu có khó khăn thì gọi tổng đài 1022 để được tư vấn và hỗ trợ.

Bình Dương đã có văn bản yêu cầu người dân “ở đâu ở yên đó”, lãnh đạo các địa phương vận dụng các chính sách hỗ trợ giảm tiền trọ, tiền điện, tiền nước đối với các công nhân khó khăn tại các khu công nghiệp.

Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội chữ thập đỏ cùng các ban, ngành và địa phương nhanh chóng hỗ trợ lương thực, thực phẩm tại các khu phong tỏa, khu cách ly và những nơi người dân, công nhân gặp khó khăn, không để tình trạng người dân thiếu lương thực để người dân yên tâm ở lại Bình Dương, góp phần cho việc phòng chống dịch thành công.

Một số địa phương tiếp tục đón người về quê

• Tại Nghệ An, ngày 3-8, những người “lỡ chạy xe máy” từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về đến quê nhà và được test nhanh COVID-19 khi vào địa bàn tỉnh này, sau đó lên xe trung chuyển về các điểm cách ly y tế của các huyện. Xe máy và hành lý cũng được cơ quan chức năng hỗ trợ chở về đến điểm cách ly tập trung.

Từ ngày 1-8 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 người từ miền Nam về quê Nghệ An bằng xe máy.

Chiều 3-8, tỉnh Nghệ An tổ chức chuyến bay đầu tiên đón hơn 230 người dân ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê nhà. Trong đó, số trẻ em là 96 (có 25 trẻ dưới 24 tháng tuổi); phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ là 31; người cao tuổi, người khuyết tật là 28; người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày là sáu; người đi cùng trẻ em, người đi cùng người già, người bệnh tật... là 67.

Sau khi hạ cánh ở sân bay Vinh, chính quyền đưa những người này đi cách ly miễn phí ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An).

Nghệ An có khoảng 18.560 người đăng ký được về quê thông qua website dangkyveque.nghean.gov.vn.

Một cá nhân hứa ủng hộ tỉnh Nghệ An tổ chức sáu chuyến bay chở công dân từ TP.HCM về quê nhà Nghệ An.

• Đắk Lắk: Ngày 3-8, tỉnh thống nhất tiếp tục thực hiện việc đón công dân về tỉnh cách ly theo quy định.

Trong ngày 3-8, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh đồng ý đề xuất của TP.HCM về việc đón 59 công nhân làm việc tại Công ty TNHH Worldon Việt Nam về quê trên ba ô tô (xuất phát từ TP.HCM lúc 14 giờ ngày 3-8).

Trước đó, UBND TP.HCM có công văn khẩn gửi UBND tỉnh Đắk Lắk về việc 58 công nhân từ Đắk Lắk và một ở Gia Lai làm việc tại Công ty TNHH Worldon Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi) có nguyện vọng được trở về quê.

Hiện tỉnh Đắk Lắk có hơn 10.000 người làm việc, học tập ở các tỉnh, thành phía Nam đăng ký được hỗ trợ đưa về quê tránh dịch.

• Gia Lai: Tạm dừng tiếp nhận người dân Gia Lai tự phát về từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16, ngăn chặn sự lây lan dịch trong cộng đồng, đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục triển khai kế hoạch tiếp nhận người dân Gia Lai trở về địa phương.

         HUY TRƯỜNG - ĐẮC LAM

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy