Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp

(PLO)- Một công viên địa chất khô hạn được hình thành gắn với truyền thuyết xưa cùng với các tài nguyên văn hoá của làng Chăm, sẽ là viễn cảnh phát triển du lịch, để đa dạng hoá sản phẩm và tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Những cụ già ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận kể rằng: Ngày xưa nơi đây là bờ biển, ở đó có 1 làng Chăm sinh sống. Hàng năm khi trời trở gió nam, ấy là lúc cộng đồng Chăm tổ chức lễ Rija Nâgar (Rija xứ sở) được gọi là lễ hội đầu năm.

Công viên địa chất khô hạn hiếm có ở Việt Nam 

Theo tục lệ, dân làng đều tựu về và mang theo nhiều sản vật đến bày biện tươm tất tại nơi làm lễ.
Trong khi tiếng trống Paranưng của ông Maduen, tiếng trống Ginang của ông Taong rộn ràng; ông Bóng (Ka-ing) và bà Bóng (Muk Pajuw) đang múa thay mặt dân làng giao tiếp với thần linh để cầu phúc, cầu mưa và cầu cho một năm mới mọi sự tốt lành thì... bỗng đâu có một miệng núi lửa phun trào trùm lên nơi đang hành lễ.
Sau cơn can qua, tất cả người trong làng đang làm lễ cúng trong lễ Rija Nâgar đã hóa đá và hình thành nên những hình hài bằng nham thạch, với các tư thế như lúc đang hành lễ.
Giếng nước từ câu chuyện xưa, nay vẫn còn trào nước và được khơi dòng chảy thành hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bà con ở đây gọi giếng này là Aia tapai - có nghĩa là “nước cho thỏ uống”, vì nơi đây rất nhiều thỏ rừng sinh sống, khi mùa hạn hay đến đây uống nước.
Nơi đó, người Chăm Mỹ Nghiệp thường gọi bãi đá Karang Chaklaing, thuộc địa giới hành chính xã Phước Hải, huyện Ninh Phước.
Trước đây khu vực này cách xa làng thường ít người lui tới, bởi đây là vùng rừng um tùm Bằng lăng, Xương rồng và các loại cây gai; đất thì sỏi đá cằn cỗi khô hạn không trồng cấy được gì.
Trước 1975, vùng đất này cũng là nơi đi về hoạt động của các chiến sỹ cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, làng Mỹ Nghiệp mở rộng khu dân cư ra đến gần bãi đá.
Tiến sĩ Quảng Đại Tuyên – Giảng viên Khoa Du lịch, trường Đại học Văn Lang – TP Hồ Chí Minh vốn sinh ra và lớn lên ở đây, kể lại: khi còn nhỏ theo ba đi rẫy ngang qua đây, ba đã kể cho nghe truyền thuyết về bãi đá có những hình thù kỳ lạ này.
Hồi đó, lũ trẻ trong làng hay đến để nhặt củi khô, hái trái rừng ăn và chăn bò. Khi còn ở làng, mỗi mùa hè, anh cũng hay cùng bạn bè ra đây cắm trại và tổ chức các hoạt động vui chơi.
Vào khoảng năm 1993, Trường ĐH Mỏ - Địa chất đã tới đây khảo sát và cũng có đán giá ban đầu về bãi đá này. Đây là dạng công viên địa chất khô hạn hiếm có ở Việt Nam và nó có tuổi đời rất lâu rồi.
Cách đây hơn chục năm, cũng có vài đơn vị của tỉnh tới khảo sát để xây dựng và phát triển du lịch với đề án công viên khô hạn Karang, nhưng rồi không thấy động tĩnh gì.
Cũng theo Tiến sĩ Tuyên, trong 1 lần tới Đài Loan, anh có ghé thăm Công viên địa chất Yehliu (Dạ Liễu) với 4000 năm hình thành. Nơi đây có những mỏm đá có hình thù kỳ lạ và thấy có điểm gì đó tương đồng với bãi đá Karang quê mình.
Công viên địa chất Yehliu là một điểm đến rất nổi tiếng và thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm Đài Loan. Riêng ở bãi đá Karang ở Ninh Thuận dù nhiều tiềm năng và lợi thế là gần làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp nhưng rất tiếc đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể và có kế hoạch khai thác tiềm năng sẵn có này.
Mấy năm trước, có vài đoàn sinh viên của trường ĐH Bình Dương về Mỹ Nghiệp thực tập, người viết bài này được anh Phú Anh Lân – Phó Chủ tịch HĐND thị trấn hướng dẫn tới bãi đá tham quan.
Chiều xuống khi mặt trời nghiêng về phía cao nguyên Lâm Viên, đi qua những bụi cây rừng bãi đá Karang nằm sát vào chân đồi hiện ra những hình thù kỳ ảo.
Đứng từ trên đồi nhìn xuống, cả vùng đất khoảng 20 hecta, riêng “vùng lõi” của bãi đá diện tích ước chừng 5 hecta, lô nhô đá đủ hình thù trải dài từ sườn đồi xuống phía rừng cây lúp xúp gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Có những tảng đá đứng riêng một mình vươn cao đến 4, 5 mét, nhìn xa như thể một tháp Chăm thời Đồng Dương, đến gần thì thấy như dáng người đang ôm trống vỗ, có tảng đá xù xì mà dáng lại mềm mại như người đang múa...
Khi nghe truyền thuyết về vùng đất này, người ta bỗng thấy giữa chốn hoang vu, tất cả các cụm đá như thể có linh hồn, đang quây tụ vào trong một không gian linh thiêng của một ngôi làng đã biến mất từ truyền thuyết ngàn đời trước về sự phun trào của núi lửa.

Bãi đá có nguy cơ biến mất 

Mấy năm rồi quay lại, một số tảng đá hình thù không còn như trước. Có lẽ bởi cả bãi đá này kết cấu không đồng chất, gọi là đá nhưng nhìn xa thấy giống như gốm nung Bàu Trúc bởi màu đỏ của bazan chiếm thế chủ đạo của các khối đá.
Lại gần sẽ thấy rõ hơn các khối đá với nhiều vật liệu đá, san hô hóa thạch, sỏi cát, đá bazan được trộn chồng lên nhau, giữa các mạch đá có những khe nứt, sự kết dính không bền vững nên rất dễ biến dạng theo thời gian hoặc sụp đổ nếu có tác động của ngoại lực.
Phần nữa do không được cảnh báo, bảo vệ nên một số người đã tới vùng ven bãi đá này để khai thác trái phép về làm vật liệu san lấp mặt bằng, khai thác để bán làm hòn non bộ, hoặc chiếm dụng làm đất canh tác.
Vài ngày gần đây, sau khi báo chí lên tiếng về tình trạng xâm hại trái phép bãi đá này, lãnh đạo huyện Ninh Phước đã trực tiếp tới kiểm tra, đồng thời chỉ đạo Công an huyện, UBND thị trấn Phước Dân và UBND xã Phước Hải phối hợp ngăn chặn, bắt các chủ phương tiện cam kết không được khai thác, xâm lấn trái phép khu vực này. Huyện cũng kiến nghị lên các ngành chức năng khảo sát, đánh giá sau đó có hướng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bãi đá Karang Chaklaing, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và có thể phát triển du lịch tại địa phương.
Một công viên khô hạn được hình thành gắn với truyền thuyết xưa cùng với các tài nguyên văn hoá của làng Chăm, sẽ là viễn cảnh phát triển du lịch, để đa dạng hoá sản phẩm và tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Mời bạn đọc cùng ngắm những hình ảnh tuyệt đẹp của bãi đá Karang Chaklaing: 

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 2

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 3

Trước đây đã có nhiều đoàn sinh viên các trường Đại học về tham quan, di chuyển ra bãi đá với nhiều phương tiện ở địa phương.

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 5

Khu vực trung tâm bãi đá rộng khoảng 5 hecta.

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 7

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 9

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 10

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 11

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 12

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 13

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 14

Truyền thuyết về bãi đá cổ Karang Chaklaing tuyệt đẹp ảnh 15

Lãnh đạo UBND và Công an thị trấn Phước Dân đang đi kiểm tra khu vực bãi đá cổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm