Có nhiều địa phương lấy lý do làm chuyên nghiệp, xây những cái sân thật lớn, thật nhiều tiền nhưng nhìn vào khâu đào tạo thì chẳng thấy ai mặn mà. Hoặc nếu có thì phần kinh phí cho đào tạo rất thấp, đến độ chẳng ai muốn làm công tác đào tạo vì phần kinh phí đổ vào chỉ nhỏ giọt cho có lệ. Ở Đà Nẵng từng có cái sân Chi Lăng định bán đi rồi sau đó thì hoãn lại vì nhiều vấn đề nội tại đã để lại một mớ khó giải quyết. Thế nhưng trước đây khi bán thì người ta quyết rất nhanh, tiền cũng chuyển rất nhanh. Hậu quả để lại là “đời trước” làm, “đời sau” lãnh đủ. Cũng cần biết là sân Chi Lăng đã qua nhiều lần nâng cấp với những khoản “thầu” rất “chuyên nghiệp” như chỉ cái ghế thôi cũng phải nhập từ Tây Ban Nha về cho giống với sân… Nou Camp.
Cách đây vài năm, cái sân Cần Thơ có sức chứa cao nhất nước đã qua một đợt đại trùng tu tốn hàng chục tỉ đồng, nay tiếp tục phải hoàn thiện khu khán đài. Thế là lại tiếp tục đầu tư 17 tỉ đồng để… xây dựng. Trong khi đó thì đội bóng Cần Thơ lại chẳng có ai đầu tư tuyến trẻ tự tìm nguồn nhân lực mà chỉ chăm chăm đi mua cầu thủ ở ngoài với giá cao. Không chỉ Cần Thơ mà một số đội bóng cứ xác định còn đội là còn nhiều khoản chi rất đậm và nhiều “chia sẻ” cho phần nổi, còn phần nền tảng thì không màng tới.
Những nhà chuyên môn tha thiết với công tác đào tạo trẻ từng than thở về đội bóng nhiều địa phương cứ chăm chăm “mua” và “xây” như thế, trong khi chỉ cần một khoản nhỏ của “mua” và “xây” đấy mà làm học viện, làm bóng đá trẻ thì sẽ phát triển và ý nghĩa hơn rất nhiều. Thế nhưng tư duy nhiệm kỳ qua các cuộc mua bán nhanh, xây sửa vội để có nhiều “tương tác”, nhiều “giao dịch” thì sẽ có nhiều “thu hoạch” hơn là trồng người.
Trung phong Gaston Merlo của SHB Đà Nẵng, có nhiều mùa chơi bóng ở Việt Nam, đã đưa ra nhận xét: “Đã biết bao mùa tôi đá bóng ở Việt Nam nhưng thấy bóng đá của đất nước bạn nó vẫn thế. Chẳng thấy phát triển, cũng chẳng thấy thụt lùi… Cầu thủ thì vẫn “chặt, chém” đồng nghiệp, ý thức chơi bóng vẫn vậy và chẳng có sự tiến bộ nào cùng mặt bằng bóng đá không đổi…”.