Xử nghiêm các 'đại gia' và cán bộ cấp cao sai phạm

(PLO)- Thường vụ Quốc hội cần chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, TP có nhiều đơn thư, nhiều vụ việc không được giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối phiên họp sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 3-2022 của QH.

Chấn chỉnh, nghiêm trị ai lũng đoạn, thao túng thị trường

Tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình điểm lại hàng loạt vấn đề cử tri quan tâm, lo lắng. Đáng chú ý, cử tri lo lắng tình trạng giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đang tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình (trái) và Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình (trái) và Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Cử tri cũng quan tâm việc xử lý của các cơ quan chức năng về hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Cạnh đó là tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai đã tồn tại nhiều năm nay, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, một số đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân. Việc này đã được các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ TT&TT phối hợp triệt phá nhưng vẫn còn tiếp diễn phức tạp...

Ông Dương Thanh Bình cũng cho biết Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo UBND các tỉnh, TP xử lý nghiêm minh các trường hợp trục lợi thông qua việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, nhất là các địa phương đang triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ QH lưu ý Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục có giải pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản...

Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho rằng cử tri, nhân dân rất quan tâm việc các cơ quan chức năng xử lý các “đại gia”, thậm chí các quan chức cấp thứ trưởng. Ông đề nghị báo cáo cần nói thêm về cả vụ việc liên quan đến Bộ Ngoại giao để thấy sự kiên quyết trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

“Chúng tôi đi gặp một số nơi thì nhận được phản ánh là bí thư, chủ tịch không dành thời gian tiếp công dân theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng.”

Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường

Cần chất vấn bộ trưởng, chủ tịch tỉnh có nhiều đơn thư

Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cũng cho biết nhiều người đã gửi ý kiến, thông tin cho ông là hoạt động giám sát tối cao của QH năm 2022 đã có tác dụng hết sức tích cực. “Các dự án treo, quy hoạch treo nhiều năm bây giờ buộc phải xem xét, có quyết định để xử lý” - ông Cường nói và cho biết nhiều doanh nghiệp được giao nhưng không đủ năng lực thực hiện các dự án, rồi sau đó họ tìm cách bán dự án đi.

Tổng thư ký QH cũng đề nghị nghiên cứu tổ chức phiên chất vấn của Thường vụ QH đối với những bộ trưởng, trưởng ngành, thậm chí là chủ tịch UBND một số tỉnh, TP có nhiều đơn thư, nhiều vụ việc không được giải quyết.

“Chúng tôi đi gặp một số nơi thì nhận được phản ánh là bí thư, chủ tịch không dành thời gian tiếp công dân theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng” - ông Cường nói. Theo ông, việc yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh giải trình trước Ủy ban Thường vụ QH sẽ giúp tạo chuyển biến, còn nếu không đơn thư sẽ tiếp tục chạy lòng vòng.

Số vụ khiếu kiện đông người tăng

Cũng tại phiên họp, báo cáo về tình hình khiếu nại, tố cáo trong tháng qua, ông Dương Thanh Bình dẫn thống kê cho thấy trụ sở tiếp công dân trung ương đã tiếp 164 lượt, với 462 công dân đến trình bày 162 vụ việc. Trong đó, khiếu nại 97 việc, tố cáo 15 việc, kiến nghị, phản ánh 50 việc.

Đáng chú ý, có 20 lượt đoàn đông người đến trình bày về 19 vụ việc, tăng chín đoàn đông người so với tháng trước. “Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự” - ông Bình cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới băn khoăn về tình hình người khiếu nại, tố cáo trực tiếp đến Hà Nội tăng 49 lượt với 248 người, so với tháng trước tăng chín đoàn đông người. Ông đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, tìm hiểu những vụ việc liên quan và khả năng giải quyết như thế nào.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ QH và làm rõ hơn lý do vì sao tăng số vụ khiếu nại, tố cáo; tăng nhiều nhất lĩnh vực nào và địa phương nào; tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương như thế nào, kể cả việc đến trụ sở tiếp công dân trung ương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm