Nâng cấp căn-tin trường học, xóa hàng rong

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM thì sáu tháng đầu năm 2010, trên địa bàn TP.HCM có tám vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có hai vụ xảy ra ở trường học với 87 trường hợp ngộ độc. Vì vậy, mới đây, Sở Y tế và Sở GD&ĐT đã phối hợp tìm biện pháp giảm hàng rong trước cổng trường. Nhiều chuyên viên của hai sở cho rằng điều này rất khó vì hiện căn-tin trường học không hút được học sinh vì mặt hàng không đa dạng và giá cả mắc hơn so với hàng rong. Thực tế, hàng rong vẫn tồn tại trước cổng trường, đe dọa sức khỏe học sinh…

Hàng rong rẻ, đa dạng

Trước cổng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú) có hàng chục quán hàng rong bán đủ loại quà vặt: bánh tráng, cá viên chiên, phá lấu, gỏi khô bò, sữa đậu nành, siro, trà sữa trân châu… Mỗi giờ tan học, học sinh tụ tập rất đông ở các hàng quà vặt này. Giá cả ở đây rất mềm: Chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng/món. Một học sinh lớp 7 Trường THCS Đặng Trần Côn đang ngồi ăn cùng một nhóm bạn cho biết: “Ở căn-tin, thức ăn rất ít, giá không cao lắm so với hàng rong nhưng tụi con thích ăn ở ngoài hơn vì vừa ngon lại rẻ”.

Chị Tố Quyên vừa đón cậu con trai lớp 3 tan học vào buổi chiều cũng tấp vào lề đường mua cho thằng bé gói bánh tráng trộn và hai xâu cá viên chiên. Chị nói: “Cháu hay than đói bụng và thèm ăn nên tôi mua cho cháu ăn tạm trong lúc chở về nhà chuẩn bị đi học thêm. Thức ăn ở đây cháu khen ngon, còn chuyện vệ sinh thì… hên xui. Có lần cháu ăn phá lấu bò với bánh mì về nhà bị đau bụng, tiêu chảy phải đi bệnh viện. Từ đó, tôi khuyên cháu không nên ăn món đó nữa”.

Nâng cấp căn-tin trường học, xóa hàng rong ảnh 1

Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Tân Phú) túa ra ăn hàng rong sau giờ tan trường.

Trường THPT Marie Curie (quận 3), khoảng 3 giờ chiều, hàng rong lấn sát cổng trường thuộc mặt tiền đường Ngô Thời Nhiệm. Tại đây, từng tốp học sinh đang nhâm nhi gỏi khô bò, gỏi cuốn, phá lấu… Em Thúy Hằng, học sinh lớp 11 trường này, chia sẻ: “Tụi em hay tụ tập ăn hàng lúc tan trường. Ngoài cổng trường có rất nhiều món ngon miệng và rẻ, còn căn-tin trong trường chỉ bán bánh ngọt, mì gói, snack… Chán lắm!”.

Căn-tin phải đạt chuẩn

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, ngành giáo dục chưa có quy định về diện tích căn-tin. Nhiều trường cũng buông lỏng quản lý, căn-tin hoạt động theo cơ chế đấu thầu, đa số là người bên ngoài vào làm chủ căn-tin nên diện tích, việc đầu tư cơ sở vật chất do chủ căn-tin quyết định. Nhiều căn-tin bán hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc; học sinh ăn uống vứt bừa bãi rất mất vệ sinh.

Trước thực tế này, ngành giáo dục và ngành y tế đã từng cấm các trường mở căn-tin. Nhưng cấm các trường mở căn-tin thì hàng rong bùng phát do nhu cầu ăn uống của học sinh là có thật. Ăn uống hàng rong rất nguy hiểm vì ngộ độc dễ xảy ra. Do vậy, hiện nay Sở GD&ĐT và Sở Y tế đang phối hợp soạn thảo quy định cụ thể về hoạt động căn-tin trường học và khuyến khích phát triển căn-tin trường học để hạn chế hàng rong. Nguyên tắc chung hoạt động căn-tin là phải có giấy chứng nhận ATVSTP và người sản xuất, chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức ATVSTP. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của căn-tin chứ không phải chủ căn-tin.

Bác sĩ Nguyễn Sĩ Hào, Trưởng khoa ATVSTP Trung tâm Y tế dự phòng TP, cho biết: “Xây dựng một căn-tin cũng khó như xây dựng một bếp ăn tập thể. Nếu căn-tin bán đồ ăn sáng như bún, phở, cháo… thì bắt buộc phải xây dựng bếp một chiều. Thực phẩm mua về phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. 100% nhân viên phục vụ căn-tin phải được tập huấn ATVSTP và có giấy khám sức khỏe định kỳ. Mỗi khi căn-tin đổi chủ bắt buộc phải có giấy chứng nhận ATVSTP mới. Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, căn-tin bán thức ăn chế biến sẵn, đóng gói cũng phải đảm bảo vệ sinh. Việc mua thực phẩm về chế biến cũng phải lưu lại mẫu thực phẩm và ghi rõ nguồn gốc.

Xoá hàng rong: Khó khả thi

Sẽ tập huấn ATVSTP cho hàng rong

Với những trường học có tập trung hàng rong đông đúc mà căn-tin nhà trường chưa đủ điều kiện phục vụ học sinh, ngành y tế giao cho Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện phổ biến đến từng phường nơi trường học tọa lạc tập huấn về ATVSTP cho những người buôn bán hàng rong và cấp giấy phép cho họ hoạt động, đồng thời thường xuyên kiểm tra…

Bác sĩ LÊ TRƯỜNG GIANG,
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Bác sĩ Lê Trường Giang cho rằng để hạn chế hàng rong phải tăng cường, mở rộng dịch vụ căn-tin trường học. Muốn vậy, căn-tin phải đa dạng chủng loại thực phẩm để hút học sinh và đặc biệt, giá cả phải bằng hoặc thấp hơn giá hàng rong.

Nhưng thực tế tại TP.HCM, không phải trường nào cũng có mặt bằng để tổ chức căn-tin theo yêu cầu. Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Tân Phú cho hay trường ông có hơn 1.000 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống của học sinh, ông phải cho xây tạm căn-tin dọc bờ tường khuôn viên nhà trường với diện tích chiều ngang hơn 1 m, chiều dài 8 m. Căn-tin chỉ bán những thức ăn đóng gói sẵn và phục vụ mì gói, hủ tíu chứ không thể bán những món lặt vặt như hàng rong. Vậy nên khó tránh khỏi việc học sinh ăn uống ở ngoài. Để kiểm soát ATVSTP, trường chỉ trông chờ vào ngành y tế địa phương. Nhà trường cũng đã khuyến cáo phụ huynh và học sinh không nên ăn uống thức ăn lề đường.

Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, phụ trách mảng y tế Sở GD&ĐT TP.HCM, ngán ngẩm: “Chúng tôi thấy rằng tuy nhiều trường nỗ lực cấm học sinh ăn hàng rong và khuyến khích học sinh ăn ở căn-tin trường nhưng thực ra nhiều học sinh vẫn muốn ăn thức ăn ngoài và sẵn sàng mua hàng rong qua hàng rào...”.

Nâng cấp căn-tin trường học, xóa hàng rong ảnh 2

Căn-tin Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình) chừng 30 m2 nhưng phải phục vụ hơn 1.000 học sinh của trường với các mặt hàng rất đơn điệu.

Nhà trường đã nhiều lần khuyến cáo phụ huynh về tình trạng mất vệ sinh từ các món ăn hàng rong, xe đẩy bán trước cổng trường nhưng vẫn không có kết quả. Theo tôi, để giải quyết tình trạng này cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Ông NGUYỄN BÁ HOÀNG, Hiệu trưởng Trường THCS
Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh)

Vấn đề ATVSTP trước cổng Trường THCS Trần Bội Cơ (phường 14, quận 5)là mối lo của địa phương. Việc dẹp tình trạng buôn bán lộn xộn trước cổng trường rất khó vì phần lớn những người buôn bán trước cổng trường là dân nghèo địa phương. Nếu mạnh tay với họ thì đời sống họ càng khó khăn hơn.

Ông NGUYỄN XUÂN VĨNH,
Phó Chủ tịch UBND phường 14, quận 5

Đầu tháng 4 năm nay, khi có dịch tả xảy ra với học sinh của trường, hàng rong đã được dẹp nhưng giờ lại xuất hiện và học sinh vẫn vô tư ăn uống. Dù ngành y tế và ngành giáo dục có khuyến cáo, căn-tin được mở rộng và phục vụ nhiều món ăn, giá cả không quá cao so với hàng rong nhưng học sinh vẫn giữ thói quen ăn hoặc mua thức ăn, thức uống bên ngoài mang vào trường.

Người đại diện căn-tinTrường THCS Hồng Bàng, quận 5

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm