Lương tối thiểu không phải công cụ giảm nghèo!

Số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2012 cho thấy tỉ lệ lao động trong doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, DN nhà nước và DN tư nhân tương ứng là 3,3%, 10,4% và 8,5%. Con số gần 78% lượng lao động, tương ứng 51,5 triệu người còn lại làm việc cho cá nhân và hộ sản xuất kinh doanh cá thể - khu vực vốn rất hạn chế trong việc áp dụng các quy định lương tối thiểu. Nghĩa là tăng lương tối thiểu nếu có cũng chỉ tác động đến thiểu số.

Điều đặc biệt quan trọng chính là rủi ro “tăng lương tối thiểu có thể tạo ra tác dụng phụ”. Nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế hiện nay dường như hầu hết DN đều trả lương cho người lao động ở mức cao hơn lương tối thiểu nhờ tiền phụ cấp, tiền thưởng, tăng tháng lương. Bằng chứng là khảo sát mới nhất do Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện với gần 1.900 lao động trực tiếp sản xuất trong các khu công nghiệp, tiền lương trung bình của công nhân hiện nay là 3,667 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với mức lương tối thiểu vừa được đề xuất là 3,1 triệu đồng/người/tháng. Như vậy lương tối thiểu có tăng thì chưa chắc tiền sẽ chảy vào túi người lao động.

Trái lại, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới thiệu sử dụng lao động, nhận định tăng lương tối thiểu thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương mà DN phải chi trả cho người lao động tăng thêm hơn 17%, do các chi phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… các chi phí nhà xưởng, điện nước, khấu hao máy móc thiết bị, bảo hành cũng tăng do ảnh hưởng kép của việc thay đổi mức lương tối thiểu. Chưa kể, năng suất lao động xã hội chỉ tăng hằng năm khoảng 3%. Nghĩa là “trăm dâu đổ đầu DN” trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, sức mua yếu, nhiều DN xếp hàng chờ đóng cửa và phá sản.

Giải pháp tháo gỡ mà nhiều DN hướng đến là tăng năng suất thông qua việc bổ sung công nghệ, cắt giảm nhân công gây thất nghiệp; cắt giảm các khoản thưởng, trợ cấp ngoài lương; hoặc tăng giờ làm, ép sức người lao động… để bù chi. Theo số liệu Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố đầu tháng 7 vừa qua, quý đầu tiên năm 2014 có đến 6,7% tỉ lệ lao động độ tuổi 15-24 thất nghiệp. Con số này có thể sẽ tăng trong vài năm tới.

Ông Gary Rynhart, chuyên gia cao cấp về hoạt động của giới sử dụng lao động thuộc ILO, nhấn mạnh: “Lương tối thiểu có những hạn chế và không nên sử dụng lương tối thiểu để giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến đói nghèo”. Thay vào đó, một chiến lược tổng thể về chính sách hỗ trợ DN, đào tạo chất lượng nguồn nhân lực trong trung và dài hạn sẽ có lợi hơn trong việc cải thiện thu nhập người dân.

THIÊN BÌNH

Phải biết giúp người lao động “đúng cách”!

Để giải quyết tốt quyền lợi cho cả DN và người lao động, Nhà nước phải kiểm soát được lạm phát, không được để lạm phát bùng lên. Nếu các chi phí từ giáo dục, y tế, phí cầu đường, điện xăng… tăng thì toàn bộ sức ép này đổ lên DN và người lao động. Về phía DN phải ứng dụng khoa học công nghệ để giảm các chi phí, nâng cao năng suất lao động.

TS LÊ ĐĂNG DOANH

Việc tăng lương là cần thiết nhưng hiện nay việc tăng giá nhà ở, giá phòng thuê, giá thực phẩm là vô tội vạ. Lương tăng mà chi phí khác đều tăng thì đời sống người lao động cũng vậy. Chưa kể, khoảng ba năm sau khi việc tăng lương tối thiểu được áp dụng thì nạn thất nghiệp có thể xảy ra. Vì lúc đó DN đã chuẩn bị cho việc “phát triển nhân sự đa công đoạn”, một người có thể làm nhiều việc khác nhau. Để hai bên cùng có lợi thì Nhà nước có thể kiểm soát tất cả giá các chi phí, lương vẫn giữ nguyên thì người lao động mới được hưởng và nhà đầu tư cảm thấy thị trường Việt Nam còn hấp dẫn họ mới đầu tư vào.

Ông ROBERT TRẦN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Nếu tăng lương thì mỗi người lao động tăng lên 400.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện công ty trả lương khoán sản phẩm nên mức trả cao hơn nhiều so với mức quy định. Chủ yếu DN mất tiền để tăng phí đóng bảo hiểm xã hội chứ người lao động cũng chẳng được hưởng lợi thực tế là bao.

Bà LÊ THỊ THANH LÂM, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Food

TÚ UYÊN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm