Xuất hiện thêm nhiều ổ dịch cúm H5N1

Đàn vịt của ông Thắng chỉ còn vài ngày nữa là xuất chuồng, thế nhưng gia đình ông đã phải tách đàn và tiêu hủy hết 300 con.

Hiện tại toàn xã Hòa Hội có gần 25.000 con gà và hơn 7.800 con vịt. Ông Đinh Văn Ngạn, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, cho biết Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch của xã đã cử cán bộ xuống các hộ chăn nuôi, ký cam kết trong 21 ngày (kể từ ngày 17-2) không được mua bán, cho tặng, vận chuyển đàn gia cầm ra khỏi địa phương nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tạm ứng 200.000 liều vaccine Re 6 để tiêm phòng cho các đàn gia cầm; đồng thời khẩn trương vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các cơ sở, địa điểm chăn nuôi, lò giết mổ, các chợ có buôn bán gia cầm sống trên địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh Đồng Nai xuất hiện hai điểm bị cúm gia cầm ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ với đàn gà hơn 3.200 con và ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom với đàn gà 5.000 con. Toàn bộ số gia cầm này đã bị tiêu hủy. Chi cục Thú y tỉnh nhanh chóng thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêm vaccine phòng dịch cho các xã thuộc vùng uy hiếp và vùng đệm. Đến nay, hai ổ dịch này đã được kiểm soát tốt, chưa có điểm phát sinh mới.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Đồng Nai là tỉnh có lượng chăn nuôi gia cầm lớn và có nhiều giao lộ đi ngang qua. Việc phòng, chống dịch cúm hết sức khó khăn và cần có sự phối hợp đồng bộ với các đơn vị liên quan. Ngoài ra, các hộ kinh doanh chăn nuôi cần phải đăng ký để có biện pháp tiêm phòng dịch, góp phần phòng, chống dịch bệnh trong các đàn gia súc, gia cầm”.

Chiều 19-2, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đình Tuấn cho biết tỉnh này đã xuất hiện 10 ổ dịch cúm A-H5N1 tại bốn huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa, làm chết và tiêu hủy trên 8.700 con gia cầm.

Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi phân bổ 603.000 liều vaccine và trưng dụng 10.000 lít hóa chất cho việc chống dịch. Đến chiều 19-2, ở bảy  huyện, TP vùng đồng bằng đã tiêm 250.000 liều vaccine phòng cúm. Trong đó, huyện Đức Phổ, nơi xảy ra dịch sớm nhất, đã tiêm phòng 150.000 liều vaccine.

Trước nguy cơ cúm H5N1 và H7N9 tràn vào Việt Nam và TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đề nghị người dân khi phát hiện những điểm tập kết, buôn bán gia cầm trái phép, gia cầm chết không rõ nguyên nhân trên địa bàn phải báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý…

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, chỉ đạo các BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và các BV đa khoa chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, giường bệnh, dịch truyền… để tiếp nhận và cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân cúm, sởi. Các BV kiểm tra tính sẵn sàng và đầy đủ của khu vực cách ly điều trị, thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý chất thải y tế và các biện pháp phòng bệnh trong BV.

NHÓM PV – CTV

 

Từ 7-3, TP.HCM tiêm bù vaccine ngừa sởi

Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 140 ca sởi. Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, ước tính hiện TP có trên 100.000 trẻ chưa tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2. Việc tiêm bù vaccine sởi sẽ triển khai tại các trạm y tế phường/xã vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Theo đó, phụ huynh phải ý thức cho trẻ 9-36 tháng chưa tiêm phòng đi tiêm bổ sung đủ mũi 1, mũi 2 theo quy định. Nếu trẻ được tiêm bù vaccine đầy đủ, TP hy vọng sẽ kiểm soát được bệnh trong vòng hai tháng tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm