Bầu Kiên "ghi bàn" vào phút chót

Bầu Kiên "ghi bàn" vào phút chót ảnh 1

Bầu Kiên phát biểu tại Đại hội thường niên. Ảnh: ĐH.

Theo thông tin từ các báo đưa ra vào buổi sáng hôm qua ngay trước khi phiên họp Đại hội thường niên Liên đoàn bóng đá Việt Nam diễn ra, gần như số phận của công ty tổ chức V-League đã được nội bộ VFF quyết định dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

Nhưng đến 16h30 chiều hôm qua, trong phần họp báo thông tin về kết quả Đại hội thường niên, một quyết đinh mới được công bố: VFF đồng ý thành lập công ty dưới dạng cổ phần.

Câu chuyện cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn đã bay lơ lửng trên đầu số phận công ty VPF hai tháng nay khiến người ta băn khoăn không biết ai sẽ là lực lượng nắm quyền lực chính ở VPF - đơn vị sẽ trực tiếp điều hành và phát triển giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: các ông bầu hay VFF.

Với nhiệm vụ quản lý sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam, trong đó giải V-League chuyên nghiệp chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể bóng đá, VFF không thể trao số phận giải đấu thu hút những CLB hàng đầu Việt Nam cho lực lượng các CLB toàn quyền quyết định. Trong khi đó, các ông bầu cũng cần duy trì tiếng nói của mình trên sân chơi mà họ đang trực tiếp đầu tư và cử lực lượng tham gia.

Vào phút chót, khi tưởng chừng tiếng nói chung giữa các ông bầu và VFF xung quanh câu chuyện công ty cổ phần bóng đá VPF không còn nữa, bài phát biểu mới của bầu Kiên tại Đại hội thường niên VFF đã lật ngược lại tình thế.

Đại hội thường niên VFF diễn ra với điểm nóng là sự ra đời và mô hình hoạt động của VPF. Bầu Kiên mở đầu bài phát biểu gồm bảy nội dung chính của mình bằng việc xoáy vào nhận xét của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ về việc truyền thông chưa khách quan, không nêu được toàn diện hoạt động của VFF.

Như thường lệ, Đại hội thường niên quyết nghị những vấn đề trọng đại của bóng đá Việt Nam nhưng vắng mặt báo chí. Sự kiện này còn vô cảm với truyền thông tới mức luôn diễn ra ở những thời điểm nhạy cảm. Năm trước, Đại hội diễn ra khi vòng bảng AFF Cup 2010 đang khởi tranh, năm nay, thời điểm được lựa chọn cho sự kiện này là khi đội U23 Việt Nam đang dự SEA Games 26.

Ông Kiên cho rằng để truyền thông không ủng hộ bóng đá là lỗi của VFF: "FIFA khẳng định truyền thông là lĩnh vực rất cần thiết và phải đặc biệt quan tâm. Nếu cho rằng truyền thông chưa ủng hộ bóng đá, ủng hộ Liên đoàn thì tôi nghĩ cái đầu tiên là trách nhiệm của VFF, phải làm sao truyền thông có thể ủng hộ".

"Liên đoàn đang sở hữu tờ báo có số lượng phát hành lớn và doanh thu tốt. Không ai có lợi thế hơn Liên đoàn, khi trong tay có công cụ truyền thông tốt như thế mà vì sao chúng ta không đưa được thông tin chính thống cho xã hội, để người dân hiểu và ủng hộ chúng ta hơn. Cần công khai minh bạch hoạt động của Liên đoàn, để điều chỉnh hoạt động của mình. Tôi mong rằng công tác truyền thông của Liên đoàn sẽ hoạt động tốt hơn trong thời gian tới", ông nói thêm.

Điểm cốt lõi của bài phát biểu này tập trung vào những chia sẻ của bầu Kiên về đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Chủ tịch CLB Hà Nội khẳng định: "Mục tiêu của Liên đoàn là phải đưa bóng đá Việt Nam ra tầm châu lục và thế giới. Tôi nghĩ nên đề ra tầm nhìn 2020 hoặc 2030 để có lộ trình thích hợp. Nếu đặt ra mục tiêu đội tuyển Việt Nam một ngày nào đó có thể tham dự World Cup, hoặc trong một vài năm tới, Việt Nam có thể là một trong 10 đội hàng đầu châu Á thì mới có được lộ trình và giải pháp thực hiện. Xung quanh chúng ta, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản xây dựng kế hoạch 10-20 năm và họ đã đưa được bóng đá vươn ra thế giới. Với đất nước 85 triệu dân, tôi nghĩ rằng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội làm được điều đó".

Với vị thế là ông lớn của ngành ngân hàng, ông Kiên tin tưởng: "Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ kinh phí để VFF nâng tầm đội tuyển quốc gia nhưng làm sao tìm được thầy tốt, lộ trình đúng, đó là trách nhiệm của VFF. Đặc biệt, sau khi việc tổ chức V-League được giao cho VPF, nhiệm vụ chính của VFF là đưa đội tuyển quốc gia ra khỏi tầm khu vực".

Muốn nâng tầm chất lượng bóng đá Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trên những đấu trường lớn hơn Đông Nam Á, công tác đầu tư đào tạo trẻ có ý nghĩa quyết định. Ông Kiên gợi ý: "Hiện tại, VFF đang sở hữu cơ sở vật chất rất tốt, không phải nước nào cũng có, với số lượng sân tập, trụ sở văn phòng hoành tráng. Tuy vậy, nhiều lần đi qua, tôi nhận thấy rất nhiều trận đá phủi được tổ chức ở đây. Tôi rất tiếc khi nhà nước đầu tư cơ sở vật chất rất tốt nhưng Liên đoàn chưa tận dụng được lợi thế đó để đào tạo bóng đá trẻ".

"Tôi cũng hiểu rằng đào tạo trẻ cần kinh phí, Nhà nước cấp không đủ và trong thời gian tới, chúng tôi là các doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều hơn cùng VFF đào tạo trẻ. Chúng ta có thể hợp tác với tổ chức nước ngoài để có thể xây dựng Học viện bóng đá của VFF và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nguồn kinh phí", ông cho biết.

Đây là điều mà VFF quan tâm nhất: làm sao để nâng cao trình độ bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Những lời nói gợi mở vấn đề hỗ trợ và hợp tác này chính là sự tiếp sức mà VFF cần từ các nguồn lực xã hội, chứ không phải tạo ra một sân chơi bóng đá dành riêng cho những ông lớn.

Bầu Kiên "ghi bàn" vào phút chót ảnh 2

Bầu Kiên là cha đẻ của VPF. Ảnh: ĐH.

Kết thúc phần phát biểu của mình, bầu Kiên mới nói tới trọng tâm nội dung của đề án công ty VPF. "Luật doanh nghiệp Việt Nam chỉ quy định hai loại hình là công ty TNHH và cổ phần. Chúng tôi hiểu và bàn bạc rất kỹ trước khi lựa chọn mô hình hoạt động cho VPF. Công ty cổ phần dạng đóng với số lượng cổ đông và cổ phần hóa chính là sự lựa chọn phù hợp nhất", ông Kiên khẳng định trước tình trạng nhiễu thông tin về mô hình của VPF thời gian qua.

Ông nhấn mạnh việc các CLB tham gia mua cổ phần của VPF không nhằm mục đích "ly khai" V-League khỏi môi trường bóng đá Việt Nam, mà ngược lại để sự phát triển của V-League phục vụ mục đích phát triển bóng đá nước nhà.

Phó chủ tịch ngân hàng ACB cũng lên tiếng trấn an VFF trước khả năng VPF có thể bị thâu tóm khi trở thành công ty cổ phần: "Các cổ đông của VPF chỉ có VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp, gồm CLB ngoại hạng và hạng nhất. Sẽ không có cổ đông từ bên ngoài, các công ty không được mua bán với nhau vượt quá tỷ lệ quy định. Khi CLB lên xuống hạng thì việc chuyển nhượng là bắt buộc, ví dụ các CLB hạng nhất thăng hạng sẽ được tăng số lượng cổ phần của mình".

"Cơ quan quyền lực của VPF là đại hội cổ đông, bầu ra hội đồng quản trị. VFF là cổ đông lớn nhất, có quyền giới thiệu 3 thành viên đại diện mình tham gia hội đồng quản trị. Các CLB giới thiệu 5 người và dự kiến mời một thành viên độc lập để tăng tính khách quan. Thành viên này không phải là cổ đông. VFF có thể giới thiệu Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành VFP. Việc lựa chọn thuộc quyền quyết định của Hội đồng quản trị và nếu không làm được việc, họ sẽ bị thay thế rất nhanh chóng".

Chính sau bài phát biểu mềm mỏng và mang tính cam kết xây dựng V-League cũng như bóng đá Việt Nam trong một thể thống nhất, VFF đã thay đổi quyết định: chọn hình thức công ty cổ phần cho VPF. Còn phía các ông bầu chấp nhận điều kiện: VPF sẽ là một thành viên trực thuộc VFF.

Theo Ngọc Thế (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm