Điều này đã và đang được minh chứng trong các cuộc thương đàm giữa Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) với chính phủ liên hiệp do đảng Dân chủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đứng đầu.
Những động thái được dư luận quan tâm
Tuyên bố hôm 4/5 của ông Thaksin Shinawatra đã có tác dụng ngay tức thì - UDD chấp thuận lộ trình hòa giải của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đưa ra hôm 3/5. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với đảng đối lập Puea Thai hôm 4/5, ông Thaksin Shinawatra đã kêu gọi những người ủng hộ tìm kiếm giải pháp nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài gần 2 tháng qua.
Ngày 19/4, ông Thaksin Shinawatra từng tuyên bố: chỉ có một lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, đó là giải tán Quốc hội và bầu cử sớm. Giới truyền thông cho biết, hầu như ngày nào ông Thaksin Shinawatra cũng nói chuyện (qua phương tiện truyền thông vệ tinh) với những người biểu tình.
Ông Thaksin Shinawatra
Nhưng ngày 23/4, bất ngờ có tin ông Thaksin Shinawatra đã chết vì ung thư giai đoạn cuối. Ngay lập tức, Panthongtae, con trai của ông Thaksin Shinawatra và Phayup Shinawatra, em trai của cựu Thủ tướng đã bác bỏ các thông tin trên Twitter.
Thông tin trên được đưa ra sau khi người ta thấy thời gian gần đây ông Thaksin Shinawatra không phát biểu với những người biểu tình áo đỏ nhiều như trước. Ông Thaksin Shinawatra từng tuyên bố, sẽ kiện Ngoại trưởng Kasit Piromya vì đã miêu tả cựu Thủ tướng là "tên khủng bố đầy máu". Ngày 30/3, Ngoại trưởng Kasit Piromya đã ra lệnh cho tất cả các đại sứ Thái Lan tại châu Âu kiểm tra nơi ẩn trốn của ông Thaksin Shinawatra.
Theo giới truyền thông, ông Thaksin Shinawatra đã ở nhiều nơi như Arập Xêút, Các tiểu Vương quốc Arập, Brunei, Papua New Guinea, Fiji, châu Âu, Nicaragua, Montenegro... Nhưng ít người biết địa điểm trú ngụ hiện nay của cựu Thủ tướng. Theo tờ The Nation, vì xin được hộ chiếu Montenegro nên ông Thaksin Shinawatra có thể đi lại khắp nơi trên thế giới mà không bị ngăn cản. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng khẳng định (23/2), không muốn chết ở bất kỳ đâu ngoài Thái Lan.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng từng khẳng định (4/4), không cho phép cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sử dụng Campuchia làm căn cứ chính trị để công kích Thái Lan. Theo tờ Bangkok Post, thượng tuần tháng 3, cựu Đệ nhất phu nhân Pojamanna Pombejra cùng con trai Panthongtae Shinawatra và 2 con gái (Pinthongta và Paethongtan) đã rời Thái Lan nhằm đề phòng xảy ra bất ổn xã hội sau khi UDD bắt đầu các cuộc biểu tình rầm rộ.
Tranh cãi xung quanh số tiền bị sung công
Ngày 3/5, Trưởng phòng Quản lý công nợ thuộc Bộ Tài chính Pongpanu Svatarundra cho biết, đã chuyển 49 tỉ baht (khoảng 1,5 tỉ USD) của các thành viên trong gia đình ông Thaksin Shinawatra vào công quỹ. Trưởng phòng Pongpanu Svatarundra cho biết, số tiền kể trên được truy thu từ 32 tài khoản khác nhau mang tên vợ, con và họ hàng của ông Thaksin Shinawatra.
Cách đây 3 tháng (26/2), Tòa án tối cao đã đưa ra kết luận, theo đó cáo buộc ông Thaksin Shinawatra lạm dụng quyền lực trong thời gian giữ chức Thủ tướng (2001-2006), do đó phải sung công số tiền trị giá 49 tỉ baht. Tòa khẳng định, chỉ sung công số tiền 49 tỉ baht mà gia đình ông Thaksin Shinawatra có được nhờ lạm dụng quyền lực.
Trước khi nhậm chức Thủ tướng tháng 2/2001, ông Thaksin Shinawatra và vợ sở hữu gần 1,5 tỉ cổ phần trong Tập đoàn Shin Corp, hơn 30 tỉ baht bởi giá khi đó là 21 baht/ cổ phiếu. Tòa cho rằng, ông Thaksin Shinawatra là chủ nhân thực sự của Tập đoàn Shin Corp khi đương nhiệm và đó là vi phạm luật.
49 tỉ baht là phần chênh lệch (cả lãi) có được sau khi Tập đoàn Shin Corp được ông Thaksin Shinawatra bán cho Công ty Đầu tư Singapore Temasek Holdings năm 2006. Những người chống đối cho rằng, thương vụ này đã dành cho người nước ngoài quá nhiều quyền kiểm soát ngành truyền thông Thái Lan và đó là điều không thể chấp nhận.
Ngày 26/3, các luật sư của ông Thaksin Shinawatra đã nộp đơn kháng cáo xung quanh phán quyết tịch thu số tiền trị giá 1,5 tỉ USD tài sản của cựu Thủ tướng. Ông Chatthip Tantaprasart, Trưởng nhóm luật sư của ông Thaksin Shinawatra đã nộp tập tài liệu dày 500 trang lên Tòa án tối cao.
Ông Thaksin Shinawatra cho rằng, phán quyết của Tòa án tối cao hoàn toàn mang động cơ chính trị. Sau phán quyết của Tòa án tối cao, UDD bắt đầu biểu tình tại Bangkok và cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo giới truyền thông, các công tố viên từng nhiều lần tìm cách sung công toàn bộ số tài sản trị giá 76 tỉ baht của ông Thaksin Shinawatra, nhưng bất thành. Tuy nhiên, tòa vẫn có đủ bằng chứng chứng minh, ông Thaksin Shinawatra và vợ đã làm giàu nhờ các vụ kinh doanh viễn thông - ưu đãi đặc biệt cho Tập đoàn Shin Corp và đây là một trong những ngòi nổ dẫn tới các cuộc biểu tình của Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) và cuộc đảo chính hồi tháng 9/2006. PAD từng cho rằng, yêu sách đòi giải tán Quốc hội của UDD chỉ nhằm giúp cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra rũ tội và trở về nước nắm quyền.
Năm 2008, ông Thaksin Shinawatra bị kết án vắng mặt 2 năm tù vì lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Ông Thaksin tuyên bố (cuối năm 2009), sẽ cho chấm dứt những cuộc biểu tình chống chính phủ nếu ông được miễn bản án kể trên. Những người biểu tình ủng hộ UDD đều thích những chính sách "quần chúng nhân dân" của ông Thaksin Shinawatra khi còn đương nhiệm.
Trong thời gian làm Thủ tướng, ông Thaksin Shinawatra đã đề ra chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ và xóa nợ cho nông dân. Đây là điều chưa từng có từ trước đến nay nên mặc dù ông Thạksin bị cáo buộc tham nhũng, nhưng nhiều người nông dân vùng đông bắc vẫn ủng hộ cựu Thủ tướng bị lật đổ cách đây gần 4 năm.
Trí Thiện - Phương Anh tổng hợp (ANTG)