Kể từ năm 1992, khi tay vợt cựu trào Trần Tuấn Anh (10 năm liên tiếp vô địch quốc gia) lên ngôi vô địch lần cuối và một năm sau, Trần Thiện Tâm giành ngôi á quân, bóng bàn TP.HCM mới sống lại niềm vui với cú vượt vũ môn của tay vợt trẻ Trần Huy Bảo.
Trước giờ đấu chung kết, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn TP.HCM Nguyễn Trọng Trúc tự hào nói: “Tay vợt Trần Tuấn Anh lần đầu vô địch quốc gia năm 24 tuổi tức lớn hơn Huy Bảo bây giờ, nên nếu Bảo đánh bại tượng đài Kiến Quốc giành chức vô địch thì bóng bàn Việt Nam đúng là động đất!”.
Tay vợt trẻ Trần Huy Bảo đang có phong độ rất ấn tượng. ẢNH: KTT
Trong số bốn tay vợt nam thuộc đội tuyển quốc gia ngoại trừ Kiến Quốc thì Tuấn Quỳnh, Quang Linh và Nam Hải từng đã là bại tướng dưới trướng tay vợt trẻ thành phố. Thế nên để xô ngã một “tượng đài” biến mình thành một tượng đài, Trần Huy Bảo phải thi đấu hơn 100% sức mình so với trận bán kết hạ Tuấn Quỳnh, ông Trúc nhận định.
Nhưng trước sự kỳ vọng của mọi người, Huy Bảo xung trận gây thất vọng hoàn toàn. Đối trọng với sự già “jeux” đầy kinh nghiệm thừa bản lĩnh của Đoàn Kiến Quốc, Huy Bảo chơi căng cứng và chỉ lóe sáng dẫn điểm đầu ván thứ tư khi tỉ số đang là 3-0 nghiêng về Kiến Quốc. Tiếc là phút vụt sáng ấy không đủ sức giúp Bảo lật ngược tình thế đành thúc thủ chung cuộc 0-4 nhận ngôi á quân.
Trận tranh chung kết đơn nữ nội bộ giữa hai tay vợt TP.HCM, Mai Hoàng Mỹ Trang một lần nữa khẳng định vị thế độc tôn làng bóng bàn nữ khi hạ bà chị Mai Xuân Hằng 4-2 giành HCV.
Kết thúc giải, TP.HCM giành chức vô địch với 3 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ xếp trên Hà Nội (2 HCV, 2 HCĐ) và Quân đội (1 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ).
MINH QUANG