Cũng như những lần được triệu tập trước, lần này nhiều người đã vắng mặt. Vị thư ký tòa phụ trách vụ án than thở dù tính chất triệu tập lần này không quan trọng nhưng tình trạng thiếu người này đã diễn ra không ít, gây khó khăn cho việc xử lý án. Hơn nữa vụ án đã kéo dài mấy năm nay, với rất nhiều người tham gia, nếu những người liên quan thay nhau vắng mặt thì vụ án có thể kéo dài thêm nữa...
Cũng tại phiên tòa này, thư ký hỏi: “Như những lần trước, tôi có đề xuất là những người không thể đến dự buổi hòa giải… thì có thể ủy quyền cho người khác, thậm chí có thể ủy quyền để vắng mặt trong phiên xử... Lần này có ai nhận được sự ủy quyền không ạ?”.
Nghe lời nhắc, nhiều người cũng than họ đã làm theo sự gợi ý nhưng khi họ đến phường làm thủ tục ủy quyền thì phường không có thẩm quyền. Đi lên quận thì xa xôi, hơn nữa không ai rảnh rang cả, có người thì đang học ở nước ngoài, có người thì lại đang công tác ở Hà Nội… Do vậy việc ủy quyền không thể thực hiện.
Vị thư ký lại đề xuất nếu cảm thấy việc lên quận gặp khó khăn, tòa có thể gửi công văn nhờ phòng tư pháp quận sắp xếp một buổi để chỉ làm việc với các đương sự.
Tuy nhiên, đề xuất này cuối cùng cũng không thể được đáp ứng vì nhiều người cho rằng vẫn không biết sắp xếp thời gian thế nào.
Theo vị thư ký, tòa vẫn có thể áp dụng quy định xử vắng mặt (hai lần không lý do). Tuy nhiên, với số lượng người tham gia đông (theo thống kê trước mắt thì đã có 17 hộ gia đình, chưa kể người thuê nhà…), không phải họ vắng mặt một lúc mà lần lượt từng người thì vụ án không biết bao giờ mới kết thúc. Do vậy, tòa cũng đã có nhiều cố gắng, tạo điều kiện cho họ để giải quyết án nhanh. Tuy nhiên, bù lại cũng phải có sự hợp tác từ các đương sự, người liên quan. Nếu họ không hợp tác thì lại làm khổ tòa, khổ các đương sự khác…
VĂN THỌ