Vụ ông Thăng: VKS không cho hưởng 1 tình tiết giảm nhẹ

Sáng 15-1, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã thực hiện phần đối đáp với các luật sư và bị cáo trong vụ án cố ý làm trái và tham ô xảy ra tại PVN và PVC.

tình tiết giảm nhẹ
Các bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Xuân Sơn.

Về chỉ định thầu:
Theo đại diện VKS, về vấn đề chỉ định thầu, tại phiên tòa bị cáo Đinh La Thăng khai việc PVN chỉ định thầu với PVC tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương theo Kết luận 41 năm 2006 của Bộ Chính trị liên quan đến chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2015 tầm nhìn 2025, chỉ thị của Bộ Chính trị về Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, triển khai chủ trương của Chính phủ…
Theo VKS, Kết luận 41 của Bộ Chính trị khóa 10 đưa ra chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 là ngành kinh tế quan trọng bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến...; xây dựng Tập đoàn Dầu khí vững mạnh, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế… Như vậy, Kết luận 41 không đưa ra các quy định cụ thể, không đề cập đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và càng không đề cập đến việc chỉ định thầu cụ thể.
Chính phủ tại Công văn 906 trả lời văn bản của PVN do ông Đinh La Thăng ký (về việc đề xuất cho PVC làm tổng thầu dự án) thông báo ý kiến của Thủ tướng, trong đó, Thủ tướng chỉ đạo PVN lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện, có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án…
Như vậy có đủ cơ sở khẳng định Chính phủ không có bất cứ văn bản nào đồng ý cho PVN lựa chọn PVC làm nhà thầu như một số luật sư đề cập, mà Chính phủ yêu cầu phải chọn nhà thầu có đủ kinh nghiệm, năng lực.
Liên quan đến việc tạm ứng:
Theo đại diện VKS, ngày 2-12-2010 và 7-12-2010, chủ tịch và TGĐ PVPower đã có văn bản báo cáo ông Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực về việc nếu chuyển đổi công nghệ thì dự kiến phải tháng 6-2011 mới ký kết được hợp đồng EPC do phải lập dự án đầu tư hiệu chỉnh, lập thiết kế kỹ thuật hiệu chỉnh, lập tổng dự toán...
Ngày 24-2-2011, bị cáo Đinh La Thăng ký phê duyệt thiết kế hiệu chỉnh dự án và ủy quyền cho HĐTV PVPower phê duyệt dự án đầu tư. VKS cho rằng thời điểm này ông Thăng đã biết được dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được lập nhưng chỉ bốn ngày sau (ngày 28-2), PVPower và PVC đã ký hợp đồng 33 trong khi chưa có tổng dự án, chưa có hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu...
“Hợp đồng 33 có nhiều nội dung không có thời hạn, tức là lập khống về tài liệu” - VKS kết luận.
Cũng theo VKS, ngày 13-5-2011, phó TGĐ Nguyễn Quốc Khánh đã thay mặt PVN cùng với PVC và PVPower ký hợp đồng 4194 điều chỉnh chủ thể hợp đồng, từ PVPower sang PVN, hợp đồng này cũng chỉ có hai trang, với nội dung PVN nhận và kế thừa mọi trách nhiệm của PVPower.
VKS sau đó dẫn lời khai của bị cáo Vũ Hồng Chương tại tòa khai hợp đồng EPC (số 33) gì mà chỉ có tám trang, hợp đồng 4193 cũng chỉ có hai trang. Hợp đồng 33 chỉ là sự phù phép cho việc PVC rút tiền từ PVN.
“Việc ký hợp đồng số 33 cùng với việc PVN tạm ứng tiền cho PVC trái quy định cho thấy thực chất việc ký kết hợp đồng không phải là để PVN tạm ứng cho PVC thực hiện gói thầu Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mà chỉ là nhằm mục đích hợp thức việc chuyển tiền cho PVC” - VKS nhận định.

Vụ ông Thăng: VKS không cho hưởng 1 tình tiết giảm nhẹ ảnh 2
Đại diện VKS tại tòa. (Ảnh chụp qua màn hình)

Xác định hậu quả thiệt hại
Việc PVC thu hồi 1240 tỉ đồng (tính đến ngày 13-9-2016) là việc thu hồi trong nội bộ tại PVC, không liên quan đến việc thu hồi tiền của chủ đầu tư là PVN đối với số tiền đã tạm ứng cho PVC nhưng không được sử dụng đúng mục đích.
Theo VKS, PVC đã chiếm dụng của PVN 1.115 tỉ đồng. Số thiệt hại được tính trong kết luận giám định chỉ dừng ở ngày 20-3-2012, cách xa thời điểm PVN thu hồi số tiền tạm ứng cho PVC là ngày 20-11-2017 (với số tiền 1.080 tỉ đồng).
Đại diện VKS khẳng định, “không có căn cứ nào cho rằng PVC đã thu hồi thừa số tiền tạm ứng như luật sư và các bị cáo đã nêu”.
Liên quan đến việc xác định hậu quả thiệt hại, VKS cho rằng trước khi xác định việc PVN tạm ứng cho PVC có làm lợi cho PVC hay không thì phải xác định hành vi của PVN tạm ứng có đúng pháp luật hay không, PVC có được phép sử dụng hay không? Sau khi biết PVC sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích thì PVN có thu hồi lại không?...
Theo VKS, trong vụ án này, việc xác định thiệt hại được căn cứ vào khoản 3 Điều 608 BLDS năm 2015.
“Số thiệt hại đã được xác định là số tiền có lợi cho các bị cáo” - VKS khẳng định.
Cũng theo VKS, số tiền tạm ứng cho PVC, năm 2011 PVC chỉ chi 196 tỉ đồng cho dự án. Cả năm 2012 hầu như chi rất ít cho dự án, với số tiền khoảng 75 tỉ đồng, chủ yếu là chi phí quản lý vì chưa có thiết kế kỹ thuật...
Theo VKS, xét về mối quan hệ cho thấy bị cáo Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh đều do bị cáo Đinh La Thăng có vai trò quyết định trong việc tiếp nhận về PVN và được cất nhắc vào các chức vụ.
Xuất phát từ các mối quan hệ đã có, như đã phân tích, mặc dù biết PVC đang có khó khăn tài chính, không đủ năng lực thi công dự án nhiệt điện Thái Bình 2, để tạo điều kiện cho PVC, Đinh La Thăng đã ưu ái, bỏ qua các quy định của pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu dự án. Sau đó, bị cáo Thăng tiếp tục chỉ đạo các bị cáo tại PVN và các đối tượng liên quan tại PVPower ký hợp đồng EPC và tạm ứng tiền cho PVC trái quy định của pháp luật, để bị cáo Thanh và đồng phạm tại PVC sử dụng số tiền trên trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước. Qua đó, thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án.

Không cho hưởng tình tiết giảm nhẹ

Về nhận định của một số bị cáo, một số quan điểm của luật sư bào chữa bị cáo không đồng tình với phần luận tội của VKS là các bị cáo không thành khẩn khai báo, quanh co, chối tội, theo đại diện VKS cần hiểu rõ hai vấn đề như sau, quyền của bị cáo theo quy định của BLTT và nhận định, đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng với thái độ, nhận thức của bị cáo đối với hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo thấy rằng mặc dù theo VKS đủ cơ sở buộc tội bị cáo về hành vi cố ý làm trái cũng như tham ô nhưng các bị cáo trong quá trình điều tra, tại phiên tòa đều không thừa nhận cho rằng sai phạm của cấp dưới. Các bị cáo chỉ chịu trách nhiệm thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến hậu quả. Do đó, VKS không cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Tình tiết giảm nhẹ chỉ được hiểu là các bị cáo thành thật khai báo và ăn năn hối hận về hành vi đó.
Trong phần xét hỏi, những câu hỏi này cũng đã được đặt ra với điều tra viên và điều tra viên cũng đã trả lời rõ quan điểm. Đây cũng là quan điểm VKS đưa ra khi đánh giá về tăng nặng, giảm nhẹ với hành vi của các bị cáo gây ra còn chấp nhận hay không là do HĐXX.
Riêng đối với bị cáo Đinh La Thăng, VKS cho rằng PVN là tập đoàn do Nhà nước làm chủ sở hữu, mục tiêu của PVN là phải kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn của PVN...
“Toàn bộ tài sản, dù là nhỏ nhất của PVN, đã được nhân dân giao phó, ủy thác cho Đinh La Thăng” - VKS nói.
Nhân dân, Nhà nước yêu cầu với các bị cáo thực hiện tuân thủ đúng pháp luật. Trong vụ án này các bị cáo có tuân thủ pháp luật hay không thì VKS đã phân tích rõ, dù vậy các luật sư vẫn cho rằng Đinh La Thăng không có hành vi cố ý làm trái.
“Chúng tôi là cơ quan truy tố thấy rất buồn, buồn ở chỗ cấp dưới thừa nhận sai phạm, mong pháp luật khoan hồng khi xử lý nhưng cấp trên lại không” - đại diện VKS nói.

VKS vẫn đang tranh luận về hành vi của từng bị cáo...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm