Nếu V-League bị hủy...

VPF đã gửi những kế hoạch cho mùa bóng trở lại sau hơn một tháng tạm dừng lần thứ hai do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng rồi lại phải thay đổi khi FIFA dời vòng loại thứ hai World Cup 2022 sang năm 2021. Theo đó, VPF dự kiến V-League tái xuất song song với hạng Nhất và Cúp Quốc gia từ ngày 12-9 thi đấu liên tục trong khoảng 45 ngày. Trường hợp thứ hai nếu AFC Cup 2020 diễn ra bình thường (cuối tháng 9) thì các đội nghỉ thời điểm này cho Than Quảng Ninh và TP.HCM tham dự, giải sẽ kết thúc muộn hơn.

Phương án cuối cùng, VPF đã tính đến khả năng hủy mùa giải vì lo ngại các CLB không còn thời gian và bị động chuẩn bị cho mùa giải mới. Sự trì hoãn với hy vọng đưa các giải chuyên nghiệp về đích bằng mọi giá trong hoàn cảnh bất khả kháng sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến các đội tuyển Việt Nam mùa sau đối diện với lịch thi đấu dày đặc.

Nếu hủy giải, công nhận Sài Gòn vô địch thì dễ nhưng buộc Quảng Nam xuống hạng gần như là không thể. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Giả sử bóng V-League không lăn nữa, việc VPF đánh rớt hạng Quảng Nam đang nằm cuối bảng là không thể. Thật ra VPF sẽ khó xử hơn và thậm chí VFF phải sửa điều lệ lẫn quy hoạch mùa giải sau V-League, hạng Nhất, hạng Nhì đều có 14 đội mỗi giải sẽ không khả thi.

Bởi nếu V-League không có đội xuống hạng, bắt buộc VPF phải chọn hai đội hạng Nhì lên hạng cho đủ 14. Ví dụ, VPF chọn hai đội Bà Rịa-Vũng Tàu (18 điểm) và Phố Hiến (17 điểm) lên V-League chắc chắn không thuyết phục do hạng Nhất mới đá có chín vòng, chưa kể Bình Định (16 điểm), Khánh Hòa (16 điểm) hay An Giang (15 điểm) có thể sẽ đánh trống kêu oan. Tương tự, hạng Nhì mới đá sáu vòng cũng không thể đưa bốn đội thăng hạng Nhất cho đủ 14 đội, đúng với lộ trình quy hoạch của VFF.

Riêng ở V-League, dường như các CLB sợ rớt hạng hơn việc dừng giải nên nhiều đội chỉ đề nghị thừa nhận đội đang nhất bảng Sài Gòn vô địch mà không có đội xuống hạng. Điểm khó là nếu hủy giải thì dù V-League không đi đến cuối con đường nhưng các nhà tổ chức vẫn công nhận vị trí các đội trên bảng xếp hạng để hai đội dẫn đầu có cơ sở đại diện bóng đá Việt Nam đá giải AFC Champions League hoặc AFC Cup mùa sau.

Thời gian cạn dần trong sự nóng lòng của các nhà làm giải và những đội bóng chuyên nghiệp chỉ biết hồi hộp chờ kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

AFC Cup cũng rơi vào thế khó

Sau vài lần điều chỉnh lịch đấu vì dịch bệnh COVID-19 lây lan ở nhiều quốc gia, AFC đã chọn địa điểm thi đấu tập trung cho bảng F và bảng G trên sân của hai CLB TP.HCM và Than Quảng Ninh, dự kiến từ ngày 23 đến 29-9. Thế nhưng với diễn biến không thể lường khi dịch bệnh tái phát, AFC Cup 2020 gặp phải nguy cơ phải chuyển sang năm 2021, tương tự AFF Cup 2020 và vòng loại thứ hai World Cup 2022.

AFC biết gặp khó vì giải tạm hoãn sẽ hao tổn nhiều về tài chính, lại còn phải đau đầu với hệ thống giải đấu ở các quốc gia thành viên dang dở. Việc AFC Cup 2020 dời sang năm 2021 đồng thời mùa giải mới của các nước khởi tranh thì rõ ràng các CLB và các đội tuyển không biết đá kiểu gì với lịch đấu dày đặc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm