Thị trường thực phẩm chức năng vẫn đang bị thả nổi

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cho rằng từ năm 2010, khi Quốc hội thông qua Luật An toàn thực phẩm, trong đó có quản lý thực phẩm chức năng (TPCN), đến nay chưa có nghị định nào được xây dựng để quản lý TPCN.

"Hiện chỉ có Thông tư 43 về quản lý thực phẩm nói chung, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý TPCN chưa được chặt chẽ. Thị trường TPCN đang bị thả nổi" - ông Đáng nhận định.

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm TPCN của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN.

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết trong số 6.800 sản phẩm bao gồm ba loại thực phẩm bổ sung; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; và thực phẩm đặc biệt dùng cho y tế, cần phải thống kê được con số bao nhiêu % là thực phẩm bảo vệ sức khỏe để quản lý cụ thể.

Cũng theo ông Quang, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe với danh nghĩa thực phẩm hỗ trợ điều trị để bán hàng với giá trên trời, cung cấp thông tin sai lệch, có hành vi lừa đảo người tiêu dùng.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, bày tỏ hiện Việt Nam sản xuất TPCN nhanh, rộng nhưng đầu tư chưa thỏa đáng. Chúng ta có hơn 3.600 doanh nghiệp sản xuất TPCN nhưng sản xuất quá dễ dàng trong khi chưa có lực lượng nghiên cứu kỹ lưỡng để tạo ra sản phẩm “made in Vietnam” chất lượng dành cho người Việt Nam và có thể xuất khẩu ra thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm