​Doanh nghiệp gặp khó, thành phố không bao giờ đứng ngoài cuộc

Sáng 10-6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và bàn giải pháp hỗ trợ.

TP.HCM sẽ kiến nghị giảm thuế, phí cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

84% DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết tổ chức này vừa khảo sát nhanh trên 100 DN cho thấy trên 84% các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái bùng phát dịch lần thứ tư.

Trong đó thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%...

Theo ông Dũng, áp lực lớn nhất hiện nay với DN là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng chưa biết điểm dừng. Trong khi gói hỗ trợ lần thứ nhất, tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến DN, mức độ hấp thụ rất thấp.

Để tháo gỡ khó khăn này, ông Dũng đề nghị triển khai nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành theo Nghị định 52/2021 và các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH ban hành. Trong đó cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các DN gặp phải.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần sớm ban hành gói hỗ trợ riêng, đặc biệt là gói hỗ trợ đặc thù cho các DN bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất kinh doanh như ngành du lịch, dịch vụ, bán lẻ….

Theo ông Dũng, TP.HCM cũng cần quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho DN (tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển), chăm lo công tác an sinh xã hội cho công nhân mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.

Về phía ngân hàng, ông Dũng kiến nghị tiếp tục xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho DN sản xuất bớt khó khăn.

42.500 là số người lao động mất việc hoặc ngừng việc từ đầu năm đến nay. Cạnh đó, theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, có 1.365 DN báo cáo gặp khó khăn do dịch COVID-19; 410 DN có nhu cầu vay tiền để trả lương cho công nhân. 

Các nơi cần thống nhất để đảm bảo lưu thông hàng hóa

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cho rằng khó khăn lớn nhất của ngành khi xảy ra dịch là việc vận chuyển hàng hóa, thiếu nguyên liệu sản xuất và giá thành một số nguyên liệu nhập khẩu tăng.

Chính vì vậy, ông Hiến kiến nghị chính quyền TP.HCM chỉ đạo Sở GTVT và lực lượng kiểm tra tại các chốt tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị cách ly, bệnh viện…

Do tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” nhất thời rải rác ở một số tỉnh, thành nên nhiều DN ở TP.HCM bị ảnh hưởng nặng. Vì vậy, ông Hiến kiến nghị TP.HCM sớm có văn bản trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để đảm bảo cho hoạt động lưu thông hàng hóa không bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.

Nên giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%

Tại buổi gặp gỡ, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết trong năm tháng đầu năm có 2.458 DN giải thể và 9.849 DN tạm ngưng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ ngoái.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN, TP.HCM dự kiến kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi DN thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ trọng tâm.

Về tài chính, TP.HCM sẽ kiến nghị xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, xem xét kéo dài giảm tiền thuê đất đối với DN du lịch 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.

Cùng đó, TP phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của DN trong hai năm.

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, lùi thời hạn đóng kinh phí công đoàn... Tăng mức trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên 80% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm.

Hỗ trợ cụ thể, thiết thực

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, đến nay TP cơ bản đã kiểm soát được đợt dịch thứ tư. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế TP nói chung và cộng đồng DN nói riêng đã và sẽ bị ảnh hưởng.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Phong yêu cầu Sở KH&ĐT tổng hợp các ý kiến của các sở, ngành chuyên môn về gói hỗ trợ thứ hai của TP, trình UBND TP báo cáo HĐND TP xem xét trong kỳ họp sớm nhất. Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền của TP, sẽ rà soát lại để báo cáo Chính phủ.

Với các đề xuất, kiến nghị của các DN thuộc thẩm quyền của các sở, ngành và quận/ huyện, ông Phong yêu cầu giải quyết ngay, không để DN chịu thiệt thòi, gặp khó khăn vì sự chậm trễ của chính quyền.

Ông Phong cũng đề nghị Hiệp hội DN TP tiếp tục ghi nhận và tổng hợp các tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế của cộng đồng DN để kịp thời trao đổi, báo cáo với UBND TP, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.

Về lưu thông hàng hóa, ông Phong giao Sở Công Thương, Sở GTVT tiếp thu ý kiến của các DN để sớm tham mưu chỉ đạo giải pháp phù hợp, kịp thời và hiệu quả, góp phần hỗ trợ tối đa cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông. “Sự phát triển, phồn vinh của TP.HCM không thể tách rời với sự phát triển của DN. Khi chúng ta đã đồng hành cùng nhau thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Khi DN gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn TP không bao giờ đứng ngoài cuộc” - ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng khẳng định Đảng bộ và chính quyền TP.HCM luôn đồng hành với DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hỗ trợ DN bằng những hành động cụ thể, chính sách cụ thể thiết thực nhất.

Mở rộng, tăng cường hợp tác để tìm nguồn vaccine

Tại buổi gặp lãnh đạo TP.HCM, vấn đề vaccine phòng dịch được rất nhiều DN quan tâm. Họ mong muốn cùng chung tay với chính quyền TP.HCM góp tiền để mua vaccine phòng chống dịch COVID-19.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Công ty Nam Thái Sơn, cho rằng cần ưu tiên tiêm vaccine cho cộng đồng DN, công nhân ở khu công nghiệp.

Ông Chu Tiến Dũng kiến nghị có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể tiêm vaccine phòng dịch cho công nhân, người lao động. Đồng thời, tạo điều kiện và hướng dẫn các DN có điều kiện có thể chủ động sớm mua vaccine tiêm phòng cho công nhân của mình.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP.HCM, đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng là tài xế giao hàng ở tất cả DN. Bởi theo ông, tài xế giao hàng thường đi đến nhiều tỉnh và tiếp xúc nhiều người.

​Doanh nghiệp gặp khó, thành phố không bao giờ đứng ngoài cuộc ảnh 2
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.LÂM

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết sáng nay trước khi đến dự hội nghị này, ông đã gọi điện thoại cho bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi về vấn đề vaccine phòng dịch. Tuy nhiên, bộ trưởng cho biết hiện nay rất khó tiếp cận nguồn vaccine.

Chính vì số lượng vaccine hạn chế nên phải tiêm cho đối tượng ưu tiên trước, dù mục tiêu của TP.HCM là tiêm cho toàn dân. “Có bao nhiêu cứ mở rộng tối đa đối tượng ưu tiên được tiêm” - ông Nên nói và cho biết Chính phủ cũng mở rộng cơ chế cho các DN được tiếp cận vaccine, khi có thì Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện thực hiện kiểm tra chất lượng và kế hoạch tiêm.

Ông Nên cũng cho rằng cả TP.HCM và các DN cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vaccine. “Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND TP, với tinh thần mang về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt” - ông Nên nói.

Trước khi chưa có vaccine, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM lưu ý các DN cần có các giải pháp cụ thể phòng chống dịch, sản xuất an toàn, bảo vệ các hoạt động sản xuất kinh doanh.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm