Thuốc diệt côn trùng: Đừng xịt, rải tứ tung!

Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn sử dụng tùy tiện sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường và sức khỏe con người.

Người co giật, gà chết!

Cách đây gần một tuần, ông NVB (34 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị ngộ độc thuốc diệt kiến. Gia đình đưa ông đến cấp cứu tại BV Nhân dân 115 trong tình trạng tức ngực, khó thở, rát miệng và cổ họng, chảy nước bọt… Gia đình cho biết vợ ông B. đã mua một gói thuốc diệt kiến không nhãn hiệu ở một cửa hàng về rải nơi kiến thường qua lại trong nhà. Lát sau, ông B. vào trong bếp thấy dĩa bánh ngọt để trên bàn bị vài con kiến bu nên ông phủi rồi ăn. Ông đâu ngờ kiến đã bị dính thuốc và truyền sang bánh.

Trước đó vài ngày, bà VTH (32 tuổi ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng vào bệnh viện trong trạng thái chóng mặt, co giật, líu lưỡi... Trước đó, bà H. mua một gói thuốc diệt mối toàn tiếng nước ngoài về rải trên các cột gỗ bị mối ăn. Bột thuốc bị gió thổi bay tứ tung, rơi vào ly nước để trên bàn nhưng bà không biết nên uống phải.

Chẳng những con người bị ngộ độc chế phẩm diệt côn trùng mà ngay cả gà vịt cũng liên lụy. Ông Thành (huyện Hóc Môn, TP.HCM) kể, có lần ông mua thuốc diệt bọ chét của Trung Quốc về pha nước rồi tắm cho chó ở ngoài sân. Lát sau, đàn gà đi ngang lỡ uống vũng nước trên nên cũng… giãy đạch đạch chết luôn theo đám bọ chét.

Thuốc diệt côn trùng: Đừng xịt, rải tứ tung! ảnh 1

Một số chế phẩm diệt côn trùng không nguồn gốc được bày bán tại TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tràn lan “thuốc độc” không nhãn hiệu

Hiện nay, thuốc diệt muỗi, diệt gián do Trung Quốc sản xuất được bán và tiêu thụ khá nhiều trên thị trường do giá rẻ. Tuy nhiên, tìm đỏ mắt, khách hàng cũng chẳng thấy một dòng tiếng Việt nào về hướng dẫn sử dụng.

Khi phóng viên ghé vào Công ty TNHH trừ mối-côn trùng Trường An (Tân Bình, TP.HCM) hỏi mua thuốc diệt kiến, người bán đưa ra nhiều loại, kể cả hàng Trung Quốc, với giá mỗi gói 6.000 đồng. Các loại thuốc này chẳng kèm nhãn phụ tiếng Việt, cũng không ghi thành phần công thức. Cạnh đó, một loại thuốc diệt chuột bằng gạo được người bán giới thiệu “của Thụy Sĩ” cũng không có nhãn tiếng Việt, chẳng ghi thành phần, tác dụng phụ hay cách xử lý khi bị ngộ độc.

Tại Công ty Cổ phần Trường Sang (Gò Vấp, TP.HCM), chúng tôi hỏi mua gói thuốc bột màu hồng đựng trong bịch nylon có trọng lượng 200 g được bán với giá 100.000 đồng. Giải thích việc thuốc không có nhãn hiệu, người bán cho biết thuốc này do Việt Nam sản xuất, bán ký nên khi mua về bán lẻ công ty phải chia thành từng bịch nhỏ như vậy…

Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong nước sản xuất hoặc nhập khẩu phải được Bộ Y tế khảo nghiệm, cấp phép mới được lưu thông ngoài thị trường. Đối với các sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc thì chất lượng chẳng những không đảm bảo mà tính độc hại lại rất cao. Những sản phẩm này thường không ghi thành phần, cấu tạo, tác dụng phụ, cách bảo quản, cảnh báo vệ sinh, hướng dẫn sơ cứu cơ bản... theo quy định.

Bà Ngân còn cho biết Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Đây cũng là đợt kiểm tra đầu tiên hoạt động nói trên tại TP.HCM.

Theo bà Ngân, đoàn sẽ kiểm tra kết quả kiểm nghiệm thành phần và hàm lượng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn của các cơ quan có thẩm quyền cấp. Đồng thời kiểm tra giấy chứng nhận hoặc tài liệu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về sản phẩm đã được phép lưu hành…

Xử trí ngộ độc chế phẩm diệt côn trùng

Để tránh ngộ độc chỉ nên sử dụng chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng. Cần đọc kỹ và làm đúng hướng dẫn, sử dụng đúng liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sau mỗi lần sử dụng nên rửa tay, không đập vỡ vỏ bình hoặc ném xuống ao hồ, sông biển…

Hãy mở rộng các cửa và đậy kín thức ăn trước khi phun chế phẩm diệt mũi, ruồi, gián, mối. Nên phun giật lùi, cách vị trí phun 0,5-1 m để tránh chế phẩm bay vào mắt, mũi, miệng. Cần mang khẩu trang than hoạt tính, mặc áo dài tay, quần dài, mang giày, mang bao tay. Tránh xa vị trí vừa mới phun. Không được ăn uống hoặc hút thuốc lá khi đang phun chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn.

Biểu hiện của ngộ độc chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn bao gồm ho nhiều, tức ngực, khó thở. Nóng rát ở miệng và họng, chảy nước dãi. Nhức đầu, chóng mặt, co giật. Da bị bỏng rát, toát mồ hôi…

Xử lý: Cởi quần áo người bị ngộ độc, giội nhiều nước và xà phòng. Nếu chế phẩm bay vào mắt thì phải rửa nhiều lần bằng nước sạch ngay. Khi người bị ngộ độc ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo, sau đó chuyển đến bệnh viện.

Thạc sĩ HOÀNG THỊ NGỌC NGÂN, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm