Tin đồn về Tây Ban Nha làm rúng động thị trường tài chính thế giới

Hầu hết các thị trường chứng khoán tại châu Âu hôm qua đã đổi sang màu đỏ với mức sụt giảm nghiêm trọng. 

Thị trường chứng khoán Madrid của Tây Ban Nha thời điểm đóng cửa giảm 5,41%, Paris giảm 3,64%, London giảm 2,56% và Athenes giảm 6,68%. Các thị trường tài chính của Mỹ cũng suy giảm theo chiều hướng ở châu Âu.

Trong khi đó, đồng euro cũng giảm mạnh so với đồng USD (gần với mức 1 euro đổi được 1,30 USD).

Nguyên nhân của tất cả sự rúng động này lại bắt nguồn từ một tin đồn tại các sàn giao dịch tài chính. Theo đó, Tây Ban Nha đang cần 280 tỷ euro và có thể phải vay tiền của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để trang trải nợ nần.

Trên đài phát thanh France Info của Pháp, nhà phân tích Yves Marçais làm việc ở sàn giao dịch Global Equities tại Paris giải thích về tác động của tin đồn này: “Tin đồn được đưa ra vào thời điểm đầy bấp bênh, khi Tây Ban Nha vừa bị các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hạ thấp điểm và giờ đây Tây Ban Nha đang trở thành tâm điểm của sự chú ý sau Hy Lạp. Vấn đề là khoản nợ của Tây Ban Nha rất lớn, cao gần gấp 5 lần của Hy Lạp nên nó có sức tác động rất lớn đối với thị trường tài chính trên thế giới.”

Để trấn an thị trường, từ Brussels, Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodriguez Zapatero đã phải lên tiếng bác bỏ tin đồn, cho rằng tin đồn đó là “không có căn cứ và hoàn toàn vô trách nhiệm”.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng kịp thời khẳng định không hề có “một phần sự thật nào” trong những tin đồn liên quan tới Tây Ban Nha.

Những thông tin bất lợi với nền kinh tế Tây Ban Nha xuất hiện sau khi hãng Standard and Poor's hồi cuối tháng 4 vừa qua hạ mức đánh giá tín dụng đối với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, cho thấy  cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp đang có nguy cơ lan rộng trên khu vực đồng euro.

Kinh tế Tây Ban Nha rơi vào suy thoái sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm sụp đổ khu vực bất động sản một thời hưng thịnh của nền kinh tế lớn thứ tư khu vực đồng euro này hồi cuối năm 2008. Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua kế hoạch kinh tế nhằm củng cố tài chính và đưa thâm hụt ngân sách xuống còn 3% Tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2013.

Theo Quang Hưng (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm