Không trách Ngọc Hải, chả trách Thanh Hào nhưng trách ở chỗ người lớn đã không nghiêm túc ngay từ đầu để các cầu thủ bây giờ là tội đồ lẫn nạn nhân của căn bệnh “hừng hừng” trên mức quyết liệt.
Khi Ngọc Hải, Thanh Hào vào bóng phạm lỗi làm gãy chân đồng nghiệp, bản thân các em được gì? Thỏa mãn một pha bóng hay lấy lý do lăn xả cố gắng cứu một bàn thua để rồi làm đồng nghiệp mình đứng trước nguy cơ giã từ sân cỏ. Sau đó thì họ, những cầu thủ phạm lỗi lại cũng là nạn nhận phải sống trong dằn vặt, đau khổ và có khi chịu nhiều sự lên án…
Abass phải rời sân trên xe cứu thương và đưa đi phẫu thuật vì cú vào bóng của Thanh Hào. Ảnh: XUÂN HUY
Vậy vì sao các em lại mang trong người những mầm mống “sát hại” đồng nghiệp.
Abass là một cầu thủ lành tính, khi đối mặt với việc phải xa sân cỏ nửa năm nhưng Abass vẫn vui cười, ngồi trên chiếc băng ca của tổ y tế sân Bình Dương đưa ra cáng và còn pha trò. Khi được chuyển vào BV Việt-Pháp anh cũng rất tỉnh trò chuyện cùng đồng đội đến thăm mình.
Bản thân Quế Ngọc Hải không dám nhìn lại pha vào bóng hủy diệt đồng nghiệp của mình, bản thân Dương Thanh Hào đã bật khóc vì bế tắc trong suy nghĩ đã dẫn đến nhiều điều.
“Con dại cái mang”. Rồi bản thân những “tội đồ” gây ra nỗi khủng khiếp cho gia đình nạn nhân lại hoảng loạn, lại bật khóc. Có quá nhiều thái cực về những pha vào bóng theo cách gọi chuẩn xác là những “kẻ đao phủ”. Những “tấm gương phản diện” như Huy Hoàng, Đình Đồng… và nhiều cầu thủ trẻ khác noi theo những điều đó nhưng không được dạy dỗ thì sẽ còn nhiều cầu thủ noi theo.
Trách ở đây là trách người lớn đã gieo vào các cầu thủ một tính cách và sau đó là quên đi thi đấu chuyên nghiệp cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ tài sản quý là đôi chân cho đồng nghiệp.