Khi cầu thủ hùng hổ lao tới, phản ứng tự vệ của trọng tài Việt Nam thường là… bỏ chạy. Các quan chức VFF và Hội đồng Trọng tài khi lên lớp trước mùa giải vẫn ra lệnh miệng: “Cấm chạy!” nhưng họ không hiểu được những lúc đấy trọng tài rất cô đơn và bị động. Thậm chí là không thể phán đoán đối tượng sẽ dùng chiêu gì nên để an toàn tính mạng tốt nhất là… chạy. Như trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng ở sân Cao Lãnh năm 1996 hay trọng tài Trương Thế Toàn năm 2000 trên sân Vĩnh Long.
Vòng 8 V-League cuối tuần qua, trọng tài Nguyễn Quốc Hùng bị các cầu thủ Hà Nội ACB rượt chạy có cờ trên sân Nha Trang khiến nhiều giới bất bình. Như đã thành một thói quen, cầu thủ Việt Nam chưa cần biết trọng tài đúng, sai thế nào vẫn sẵn sàng đòi hành hung “vua sân cỏ”. Thậm chí là chính cầu thủ nhiều khi “làm giặc” bán đứng trận đấu rồi còn tìm cách “đánh bùn sang ao” bằng chiêu đổ vấy cho trọng tài và làm bộ làm dữ để “chứng tỏ” mình thua oan. Điển hình ở trận bán kết Cúp Quốc gia 2004 trên sân Vinh, thủ môn Hồng Sơn giật chỏ vào mặt Nhật Nam của Thể Công, bị trọng tài Đặng Thanh Hạ phạt thẻ đỏ kèm quả phạt đền. Thế là một nhóm cầu thủ SL Nghệ An nhào đến đòi đánh trọng tài. Nó như một mồi lửa khiến cho khán giả trên sân bênh đội nhà đã cùng đồng thanh chửi rủa và đòi giết trọng tài. Sự thật là sau đó SL Nghệ An treo giò sáu cầu thủ có tư tưởng mờ ám ở một trận đấu mà họ lên kịch bản thua trên sân nhà.
Vòng 7 trọng tài Hưng bị vây, vòng 8 trọng tài Hùng bị rượt chạy. Ảnh: Q.THẮNG, CTV
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng từng bị cầu thủ phun nước bọt vào mặt ở sân Lạch Tray nhưng ông đã nói rất đàn anh: “Cậu muốn chơi thì ra ngoài sân chơi với tôi sòng phẳng. Còn ở trên sân, dưới cặp mắt của hàng ngàn khán giả, đừng hỗn”.
Ông chủ tịch Hội đồng Trọng tài ở vòng đấu nào cũng theo dõi chặt chẽ các trận đấu và đau đáu với vấn nạn cầu thủ coi thường và rượt đuổi trọng tài. Ông cho biết đã nhiều lần kiến nghị với VFF nên xử làm gương một vài trường hợp nhưng lại thất vọng với kiểu bắt cóc bỏ đĩa, xuê xoa hoặc nhắm mắt ngó lơ.
Chẳng hạn, nhiều vụ cầu thủ vái sống trọng tài có bằng chứng hẳn hoi nhưng ban kỷ luật có khi xử treo sáu trận rồi gần như ngay lập tức giảm đi một nửa. Gần đây nhất là vụ cầu thủ trẻ Đình Tùng của Thanh Hóa cởi áo bỏ ra ngoài phản ứng trọng tài trên sân Vinh còn không bị xử lý. Hay những phát ngôn bôi nhọ của HLV Lê Thụy Hải vẫn không được xem xét.
Hay vì ban tổ chức và Hội đồng Trọng tài thấy rằng trọng tài còn yếu nên phải nhắm mắt và bịt tai trước hành động và lời lên án của đội bóng?
Hôm nay, BTC soi băng ghi hình trên sân Nha Trang Theo nhận định ban đầu của Hội đồng Trọng tài, sự cố quả 11 m khiến cầu thủ Hà Nội ACB rượt đuổi đòi hành hung trọng tài Quốc Hùng, trọng tài này ở vị trí quan sát tốt. Báo cáo của giám sát trọng tài Phạm Chu Thiện phê trọng tài Hùng thổi phạt đền là có cơ sở khi cầu thủ Tấn Đạt của Khánh Hòa bị hậu vệ Hải Nam phạm lỗi trong vòng cấm. Liên quan đến sự cố này, đội trưởng Đức Tuấn của Hà Nội ACB có thể bị phạt nặng về hành vi tháo băng đội trưởng ném vào trọng tài. |
GIA HUY