Chuyện con tôm: Áp lực từ một thông tư

Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2011 mới đây của Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đã nêu lên chuyện con tôm bị nhiễm kháng sinh tại vùng nuôi trồng rất nặng khiến hàng xuất khẩu bị trả về. Không chỉ có vậy, hội nghị còn bức xúc về sự bất hợp lý của Thông tư 55/2011 về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản.

Họa kháng sinh

Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gò Đàng, cho biết: Theo quy định của Thông tư 55, DN phải tốn chi phí kiểm tra một lô hàng là 7-14 triệu đồng, mất khoảng 7 tỉ đồng/năm. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hùng Vương, cũng tâm tư: Vấn đề đau đầu nhất là tình trạng thủy sản nhiễm kháng sinh. DN phải đem mẫu đi kiểm tra ít nhất một tuần sau mới có kết quả, phí kiểm tra 1 triệu đồng/mẫu. Để đảm bảo chất lượng mặt hàng, DN còn phải cử người đến tại đầm tôm lấy mẫu. Nếu chất lượng mẫu tốt thì DN phải giám sát nguyên liệu tại đầm cho đến khi thu hoạch, rất mất thời gian, nhân sự và chi phí. “Điều đáng nói là quy định của ta thiếu cơ chế kiểm tra gốc mà lại đi kiểm tra phần ngọn, không kiểm tra ngay từ đầu chất lượng ở các cở sở nuôi trồng, người nuôi trồng mà chỉ mới chú tâm việc kiểm tra ở DN”.

Chuyện “gốc” mà ông Minh nói ngay trước đó đã từng được phản ánh bằng lá thư của một nhân viên công ty xuất khẩu thủy hải sản gửi Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát. Việc nông dân nuôi tôm tùy tiện sử dụng hai loại kháng sinh Enrofloxacin và Ciprofloxacin đang trở thành “họa” cho các DN xuất khẩu. Hai chất này không nằm trong danh mục cấm sử dụng nên cơ quan chức năng đâu thể phạt người dân được. Nhưng nếu để họ sử dụng thì sao? Ý kiến của ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQUAD), rằng “nếu thị trường xuất khẩu đặt yêu cầu cao về dư lượng kháng sinh DN phải yêu cầu lại người nuôi, DN phải có trách nhiệm giám sát đầu vào” rất hợp lý. Bởi để giải quyết việc khan nguyên liệu đã xảy ra tình trạng tranh nhau mua tôm không phân biệt “đầu vào” và đây là vấn đề các DN cũng cần soi lại mình.

Chuyện con tôm: Áp lực từ một thông tư ảnh 1

Nuôi tôm xuất khẩu tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: CTV

Cứ để DN tự xử?

Tuy vậy, cần nhìn lại vai trò giám sát, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản sử dụng kháng sinh của cơ quan chức năng. Ông Tiệp cũng từng trả lời trên Pháp Luật TP.HCM: Trách nhiệm của Cục là thực hiện giám sát để đảm bảo không được sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, chất nào được sử dụng thì phải sử dụng đúng để lượng tồn dư không vượt quá ngưỡng cho phép.

Nhưng ai có trách nhiệm trực tiếp trong hướng dẫn, tuyên truyền cho nông dân sử dụng kháng sinh đúng liều, đúng cách? Đó chính là các trung tâm khuyến nông - khuyến ngư. Liệu các trung tâm này đã có những giải pháp hữu hiệu để người dân hiểu được cách nuôi trồng thủy sản sạch hay chưa? Có khiến được họ lay động ý thức, từ bỏ thói quen dùng kháng sinh tùy tiện rồi “bán lúa non” sản phẩm hay chưa?

Về mặt điều hành, các ý tưởng và giải pháp để hướng tới con tôm sạch: nuôi vi sinh mật độ thưa, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất; làm chuỗi khép kín “nuôi - thu gom - xuất khẩu”; giá thu mua thỏa đáng đối với tôm sạch… đều đã được nghĩ tới. Nhưng ai sẽ làm “nhạc trưởng” để điều khiển? VASEP không thể làm được chuyện này, mà đó phải là cơ quan quản lý nhà nước. Kiến nghị của chủ tịch VASEP rằng Bộ NN&PTNT tổ chức, kiểm soát giấy chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, cung cấp nguyên liệu thủy sản thật ra đâu nằm ngoài tầm tay của Bộ?

Mặt khác, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, cho biết thống kê mức phí kiểm tra sản phẩm phải trả cho các trung tâm vùng thuộc NAFIQUAD trung bình 5-15 triệu đồng/container. Nhiều DN tốn cỡ trung bình 1-4 tỉ đồng/năm, lại tốn thêm khoản tiền tương đương cho hoạt động tự kiểm tra, giám sát ngay tại ao đầm của nông dân.

Công văn 192/2011 mà VASEP vừa gửi Bộ NN&PTNT cho thấy: Sau Thông tư 55, Quyết định 2864 ngày 24-11-2011 của Bộ lại khiến DN tá hỏa vì phí kiểm tra tăng gấp 2-3 lần so vói trước đó. Cụ thể: Xuất khẩu hàng đi EU, hàng seafood mix: 8,3 triệu đồng/container (trước đây: trên 3,5 triệu đồng/container). Hàng seafood mix và tôm PD: 15,5 triệu đồng/container (tăng gấp ba lần). Với hàng xuất khẩu đi Nhật Bản, tôm Nobashi: 4,5 triệu đồng/container (tăng 3,5 lần); kiểm cảm quan chín mẫu thay vì sáu mẫu như trước đây; kiểm bốn chỉ tiêu kháng sinh thay vì một chỉ tiêu. Riêng phí kiểm cảm quan (là nội dung bắt buộc) xuất sang tất cả các thị trường cần có chứng thư ATTP, lúc đầu là 372.000 đồng/lô hàng, nay tăng lên 806.000 đồng/lô hàng…

Tất nhiên phải xác định rằng DN kinh doanh thu lợi nhuận thì phải có trách nhiệm tìm nguyên liệu sạch, đáp ứng cái thị trường cần chứ không thể cứ kêu Nhà nước, buộc Nhà nước bao cấp hay hỗ trợ mãi. Nhưng cũng không vì thế mà cơ quan quản lý nhà nước để DN tự “đối phó” với nông dân trong khi phải gánh trên vai các chi phí phát sinh ngày càng cao ngất!

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm