Cấp thiết xây dựng hạ tầng kết nối với tuyến metro số 1

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM) đang trên đà chạy đua nước rút, hiện dự án đã hoàn thành gần 90% khối lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1 (viết tắt là dự án kết nối xe buýt với tuyến metro số 1) vẫn chưa được thông qua.

Cần sớm cân đối nguồn vốn cho dự án

Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP về chủ trương đầu tư dự án kết nối xe buýt với tuyến metro số 1.

Cụ thể, Sở GTVT cho biết: Theo báo cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), hiện nay tiến độ thi công xây dựng dự án tuyến metro số 1 đạt gần 90% tổng khối lượng. Dự kiến dự án cơ bản hoàn thành công tác thi công năm 2022, đưa vào khai thác thương mại năm 2023.

Sở GTVT cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần tổ chức hệ thống giao thông công cộng kết nối với các nhà ga metro số 1, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và khai thác có hiệu quả tuyến này.

Theo đó, Sở GTVT kiến nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở KH&ĐT khẩn trương cân đối nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND TP thông qua. Từ đó, tham mưu cho UBND TP.HCM bổ sung dự án kết nối xe buýt với tuyến metro số 1 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Dự án dự kiến tổng mức đầu tư hơn 118,5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP, thời gian thực hiện giai đoạn 2022-2024.

Tuyến metro số 1 hiện đã hoàn thành gần 90% khối lượng dự án nhưng dự án kết nối xe buýt với tuyến này hiện vẫn chưa được triển khai. Ảnh: ĐT

Theo Sở GTVT, TP cần tập trung nguồn lực để phát triển vận tải hành khách công cộng, ưu tiên mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung lộ trình các tuyến xe buýt trong phạm vi ảnh hưởng của tuyến metro số 1.

Sở GTVT TP cho biết sở sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án kết nối xe buýt với tuyến metro số 1, gửi Sở KH&ĐT thẩm định. Sau đó, các sở tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư công dự án này.

Phương án phát huy hiệu quả tuyến metro số 1

Sở GTVT nhận định dự án sau khi hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả cả về kinh tế và xã hội. Cụ thể, việc tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt dọc hành lang xa lộ Hà Nội và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ giúp hành khách tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi, an toàn tới các nhà ga trên cao của tuyến metro số 1.

Việc đầu tư phát triển giao thông công cộng đồng bộ, thuận tiện sẽ thu hút người dân yêu thích và sử dụng loại hình giao thông này. Từ đó, góp phần hạn chế xe cá nhân lưu thông trên đường; góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, cải thiện môi trường sống...

KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết để khai thác hiệu quả tuyến metro số 1 thì cần có hệ thống giao thông công cộng kết nối với tuyến này. Đây cũng là phương tiện gom khách về metro và cũng là phương tiện đưa hành khách về các khu dân cư hiện hữu.

Hiện nay, tuyến metro số 1 đã bước vào giai đoạn nước rút, việc triển khai hạ tầng kết nối, phát triển vận tải hành khách công cộng trong thời điểm này là cần thiết và cần sớm triển khai.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Xe khách TP.HCM, nhận định để tuyến metro số 1 hoạt động hiệu quả, TP cần làm ba điều.

Thứ nhất, đối với mạng lưới luồng tuyến, TP cần sớm kết nối hệ thống metro với các tuyến xe buýt hiện nay. Các tuyến xe buýt nội đô hiện nay cần giảm bớt đi để tăng cường chạy dọc theo tuyến metro. Trong đó, TP cần chú ý đến không gian đi bộ, không gian gửi xe máy.

Thứ hai, TP cần chú ý liên thông việc bán vé đi lại. Người dân có thể thanh toán vé metro và các loại vé khác như xe buýt, xe đạp công cộng… Nếu tiện lợi thì có thẻ bán vé như bán thẻ điện thoại để người dân sử dụng tiện lợi hơn.

Thứ ba, kết nối về tổ chức quản lý vận tải công cộng, trong đó đặc biệt lưu ý đến đơn vị quản lý tuyến metro số 1. Bên cạnh đó, cần thống nhất vận hành, nâng cấp vai trò của trung tâm quản lý giao thông công cộng hiện nay.

“Tôi mong TP sớm thông qua dự án kết nối xe buýt với tuyến metro số 1 để mang lại hiệu quả ngay khi tuyến metro 1 đi vào vận hành” - ông Tính nhấn mạnh.•

Một số ga metro số 1 có bãi đậu xe lớn

Dự kiến ga Văn Thánh sẽ có lối đi bộ cho hành khách di chuyển từ nhà ga ra khu vực điểm dừng, nhà chờ xe buýt và khu vực đón trả khách dành cho xe buýt, taxi.

Khu vực này cũng có bãi đậu xe buýt, diện tích 1.596 m2 dưới gầm cầu đường sắt. Sau khi đón/trả khách tại điểm dừng, đỗ trước nhà ga, xe buýt sẽ di chuyển về bãi đậu này để thực hiện tác nghiệp đầu, cuối và đậu đỗ chờ đến giờ lên tài.

Không chỉ vậy, khu vực ga này cũng sẽ bố trí bãi đậu xe cá nhân rộng 770 m2 dưới gầm cầu vượt (bên cạnh khu vực đón, trả khách dành cho xe buýt, taxi), nhằm phục vụ người dân tiếp cận ga bằng phương tiện giao thông cá nhân.

Tương tự, tại ga Tân Cảng cũng được bố trí hai nhà chờ xe buýt dọc đường Điện Biên Phủ; bố trí khu vực đón trả khách cho taxi, xe buýt… Khu vực này cũng được tổ chức bãi đậu xe buýt phía dưới gầm cầu vượt đường sắt với diện tích 4100 m2. Bãi đậu xe này phục vụ các tuyến xe buýt gom làm tác nghiệp đầu cuối tại ga Tân Cảng.

Ga Thảo Điền cũng được bố trí một bãi đậu xe cá nhân với diện tích 1.000 m2 trên dải đất ven xa lộ Hà Nội và lối đi bộ kết nối đến chân cầu bộ hành. Bãi đậu xe này phục vụ cho hành khách có nhu cầu chuyển đổi từ xe cá nhân sang sử dụng metro và xe buýt.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm