Vị cán bộ lão niên của thể thao Việt Nam Lê Bửu không bao giờ ngừng trăn trở câu nói của Bác Hồ: “Dân cường thì nước mới thịnh”. Ngoài 70 nhưng ông Lê Bửu vẫn rất tráng kiện, tinh tường. Hằng ngày ông vẫn xách vợt ra sân chơi quần vợt vài giờ đồng hồ để rèn luyện sức khỏe. Nói về vai trò của thể thao trong đời sống tinh thần con người thì đúng ông nói cả ngày không hết chuyện và toàn những chuyện lớp kế thừa đang chệch hướng…
Tôi lo cho thể chất của người dân
Ông Lê Bửu nói điều ông lo trước tiên là các em học sinh, đặc biệt ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. “Theo tiêu chuẩn quốc tế thì mỗi học sinh cần phải có hai mét vuông không gian để vận động. Hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sân chơi của các em sau tiết học hầu như không có. Các em nhỏ ăn uống thừa chất, đến trường không có không gian vận động tất nhiên sinh bệnh béo phì. Mà béo phì thì biết bao nhiêu biến chứng ai cũng rõ. Chưa kể trẻ thừa cân dẫn đến không linh hoạt về thể chất, trí não chậm phát triển…
Thỉnh thoảng đi ngang những ngôi trường “nhà ống” rộng chừng bốn đến năm mét, ở những con phố đông đúc tôi cứ băn khoăn mãi môi trường học hành của thế hệ rường cột đất nước là như thế này sao. Ở các nước người ta phát triển đô thị và công nghiệp hóa nhưng bao giờ cũng tính đến sân chơi cho học sinh. Ta thì ngược lại đến đất của trường học giờ cũng được tận dụng kinh doanh và học sinh phải chơi trong khuôn viên chật chội không chạy nhảy được…”.
Ông Lê Bửu khi còn làm tổng cục trưởng TDTT trao giải trong cuộc đua xuyên Việt. Ảnh: XUÂN HUY - Q.THẮNG
Ông Lê Bửu trằn trọc vì kế hoạch phát triển thể thao trường học, thể thao phong trào thời ông làm tổng cục trưởng nhưng nay thì càng ngày càng chệch hướng: “Một thành phố đúng chuẩn đòi hỏi phải có những khoảng không gian cây xanh thoáng đãng, các khoảng đất trống, rộng đẹp đẽ dành cho người tập thể thao. Công viên phải nhiều và quảng trường cũng nhiều. Bây giờ thì không hiếm thấy cảnh người ta tập thể thao đi bộ mà phải đeo khẩu trang vì ô nhiễm, vì khói xe… Ngày trước tôi đi làm cái công việc xin đất cho ngành thể thao ở TP.HCM và kết quả là nhà thi đấu Phan Đình Phùng ra đời; Trung tâm Thể thao Phú Thọ trở thành nơi sinh hoạt thể thao cho cộng đồng… Bây giờ đi ngang qua đấy thấy những tòa cao ốc lấn sát, quán nhậu mở ì xèo xung quanh tôi xót xa quá khi tấc đất cho thể thao cứ teo, tóp lại để kinh doanh… Ngay đến Trường Nghiệp vụ TDTT TP.HCM, nơi đào tạo nhân tài thể thao giờ phần dưới cũng lấy để cho thuê. Chiều xuống thành phố chưa lên đèn đã thấy gái điếm lượn lờ trước trường... Một nơi đào tạo VĐV mà như thế thử hỏi có được không?”.
Vị cựu tổng cục trưởng Tổng cục TDTT còn đưa ra những con số tham khảo rằng, chỉ số thể lực của học sinh TP.HCM kém nhất nước rồi mệt mỏi lẫn lo lắng: “Đó là vấn đề đáng báo động mà cấp lãnh đạo TP.HCM phải quan tâm, lo lắng. Vậy mà tôi chưa thấy ai sốt ruột với con số này cả. Tại sao?”.
Ông Bửu ái ngại với sự bỏ lỏng thể thao phong trào làm nền tảng mà nhiều địa phương đánh mất để tập trung vào thể thao đỉnh cao: “Người dân hăng say tập luyện thể thao thì mới là nền tảng để có một nền thể thao đỉnh cao phát triển. Hạt nhân của thể thao đỉnh cao luôn là thể thao phong trào. Điều đáng lo âu là hiện nay ngoài giờ học, các em học sinh phải làm gì? Không có nhiều sân chơi nên việc các em lao vào Internet và sa vào nhiều chuyện tiêu cực khác là điều dễ hiểu…”.
Quy hoạch thể thao phải bắt đầu từ quy hoạch con người
Ông nói: “Quy hoạch quan trọng nhất là con người. Làm thể thao đòi hỏi cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo phải có cái tâm và cái tầm. Còn nếu như làm thể thao mà cứ nghĩ đến tiền, đến tư túi thì chỉ khổ cho dân và chắc chắn sẽ thất bại. Biết bao nhiêu con người giỏi về quản lý thể thao ở TP.HCM nhưng bị đánh bật vì bè phái, vì những manh nha tư lợi khiến địa phương này từ vị trí hàng đầu thể thao đã sa sút nhiều trong những năm qua…”. Ông Lê Bửu còn lấy ví dụ từ việc đầu tư cho người thầy trong bóng đá: “Ở TP.HCM có những cựu cầu thủ giỏi trước đây như Minh Chiến, Hoàng Bửu, Hồ Văn Lợi, Liêm Thanh… khi biết họ treo giày lập tức cần phải có kế hoạch đào tạo họ ngay để trở thành những ông thầy, những HLV giỏi, những nhà quản lý bóng đá có chuyên môn ngay cho bóng đá TP.HCM. Đằng này khi họ treo giày thế là quên họ luôn. Trong khi đó có nhiều HLV được đào tạo, được nâng đỡ lại chẳng ra gì mà cứ trụ mãi. Không tận dụng những cựu danh thủ ấy để họ mai một và sa vào cuộc sống khó khăn sau thời gian cống hiến thì sẽ mất rất nhiều”.
Khi còn làm tổng cục trưởng, ông Lê Bửu từng đi thị phạm từ Bắc chí Nam để quy hoạch từng địa phương phát triển thể thao theo thế mạnh của từng địa phương rồi đưa vào quy hoạch lâu dài. Rất tiếc rằng đề án chiến lược của ông bị lãng quên ngay khi ông về hưu.
Thực tế cho đến nay, thể thao Việt Nam vẫn chưa có những đề án chiến lược lâu dài. Ở thể thao đỉnh cao thì đầu tư kiểu thời vụ và đi tắt, đón đầu, quá phụ thuộc vào các môn thi ở các kỳ đại hội quốc tế…Trong khi đó ở thể thao phong trào, đòi hỏi không gian và đất đai rộng rãi thì hầu như ngày càng bị thu hẹp lại.
Thể thao Việt Nam vẫn chờ một đề án quy hoạch có chiều sâu và chiều dài, trước tiên nó phải được đặt nền móng từ thể thao phong trào.
“Đầu tư 1 đồng cho thể thao, ngành y tế được lợi 100 đồng!” Nói về vai trò của thể thao trong đời sống tinh thần của một dân tộc, cựu HLV tuyển Việt Nam Calisto từng nhiều lần nói như trên. “Con người thường xuyên tập luyện thể thao sẽ ít bị mắc bệnh. Thậm chí tập luyện thể thao còn giúp con người chiến thắng được bệnh tật. Chơi thể thao thường xuyên còn giúp mọi người tránh xa mọi cám dỗ trong xã hội như ma túy, xì ke…” - ông Calisto nói thế. HLV Calisto cũng cho biết: “Tài liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một thành phố có nhiều cây xanh và nhiều sân chơi thể thao thì con số bệnh viện giảm hẳn. Một trung tâm thể thao quần chúng có diện tích bằng một sân bóng thì sẽ giúp không phải xây dựng một bệnh viện. Không có trung tâm thể thao ấy thì ít nhất một bệnh viện phải mọc lên. Thế thì đầu tư cái nào có lợi hơn”. |
TẤN PHƯỚC