Nếu thu phí không dừng gây ùn tắc thì phải xả trạm

(PLO)- Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết hệ thống thu phí lỗi mà không kịp xử lý gây ra tắc đường thì phải tiến hành xả trạm và đây là trường hợp không mong muốn xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-7, cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Thu phí không dừng - Quyền lợi và trách nhiệm”.

Công nghệ tiên tiến hơn Singapore

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Thu phí tự động VETC, khẳng định thu phí không dừng áp dụng ở Việt Nam là công nghệ RFID rất tiên tiến, “cao hơn” công nghệ BIC mà Singapore sử dụng. Theo ông Vinh, thu phí không dừng ở Việt Nam có bốn giai đoạn. Hiện chúng ta đang ở giai đoạn 1, cố gắng tiến tới giai đoạn 2. “Giai đoạn 4 là đa làn tự do, tức là không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí, các xe có thể đi qua. Đây là giai đoạn tốt nhất và mong muốn nhất của Bộ GTVT và Chính phủ” - ông Vinh nói.\

Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trưa 29-7. Ảnh: TRÍ ĐẶNG

Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trưa 29-7. Ảnh: TRÍ ĐẶNG

Nêu ý kiến tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: “Quan điểm của bộ là những gì tốt nhất cho người dân thì chúng ta làm. Tất cả tình huống khi áp dụng thu phí không dừng, chúng tôi đã lường đến”. Cũng theo ông Thọ, do mới áp dụng hệ thống này nên quá trình sử dụng không tránh khỏi xảy ra những “trục trặc”. Nếu phản ánh của người dân kịp thời, bộ và các đơn vị liên quan sẽ tập trung xử lý.

“Có rất nhiều trường hợp chủ phương tiện đi vào làn tự động mà không đủ tiền hoặc trót đi rồi thì chúng tôi có những phương án phối hợp với người dân để xử lý vừa mang tính nhân văn, vừa tôn trọng nhau như hướng dẫn làn xe đưa phương tiện đến nơi dán thẻ ngay” - ông Thọ cho biết.

Trả lời câu hỏi về tình huống nếu xảy ra sự cố, hệ thống thu phí tự động không dừng bị lỗi sẽ phải giải quyết như thế nào? Có tính tới phương án xả trạm không? Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng khi xảy ra trường hợp này, cần phải đánh giá tình hình cho đúng. Ví dụ, hệ thống lỗi như thế nào, thời gian xử lý là bao lâu và tình hình ùn tắc giao thông thế nào. Từ đó có thể tính toán chuyển sang thu phí thủ công hoặc đánh giá tình hình ùn tắc để cân nhắc xả trạm. “Hệ thống thu phí lỗi mà không kịp xử lý gây ra tắc đường thì phải tiến hành xả trạm” - ông Thọ nói và cho biết đây là trường hợp không mong muốn xảy ra.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: “Quan điểm của bộ là những gì tốt nhất cho người dân thì chúng ta làm. Tất cả tình huống khi áp dụng thu phí không dừng, chúng tôi đã lường đến”.

Chỉ xử phạt những hành vi cố tình vi phạm

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm ở trạm thu phí, lực lượng CSGT “đặt công tác tuyên truyền lên trên hết” và “chỉ xử phạt những hành vi cố tình vi phạm”.

Theo quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123, có ba loại hành vi. Hành vi thứ nhất, không dán thẻ đầu cuối khi đi vào trạm thu phí không dừng. Hành vi thứ hai, số tiền trong tài khoản của người dân không đủ để thanh toán. Hành vi thứ ba, điều khiển phương tiện đi vào trạm thu phí không dừng. “Chúng tôi cũng phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ để làm sao thuận lợi nhất cho người dân” - ông Đức nói thêm.

Theo đó, lực lượng CSGT tập trung xử phạt vi phạm hành chính qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là hình ảnh, qua đó trích xuất để xử phạt qua thông báo vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân.

Trả lời câu hỏi trường hợp người điều khiển xe tuân thủ các quy định về thu phí tự động không dừng nhưng trạm ETC xảy ra lỗi, sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Có bị xử phạt hay không, xử phạt như thế nào? Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: “Đã quy định phải bình đẳng, bình đẳng giữa người dân, bình đẳng với đối tượng phục vụ, người cung cấp dịch vụ. Anh không hoàn thành tôi phải xử lý anh, còn hình thức xử lý thì theo quy định”.•

Vì sao không tích hợp tài khoản giao thông vào tài khoản ngân hàng?

Tại cuộc tọa đàm, nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao không tích hợp tài khoản giao thông vào tài khoản ngân hàng (NH) thay vì phải nạp tiền vào một tài khoản giao thông riêng biệt như hiện nay?

Trả lời, ông Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), cho hay có hai lý do không thể tích hợp thẻ giao thông vào thẻ NH. Thứ nhất, tốc độ xe qua trạm phải đạt được tối thiểu 3 km/giờ và khi xe qua trạm, nhận diện của trạm sẽ gửi lên hệ thống tính cước. Nếu hệ thống E-Banking của các NH không đủ tốc độ xử lý sẽ dẫn đến việc barrie đóng mở không đúng thời điểm, gây ra sự cố cho các phương tiện.

Thứ hai, bản chất tài khoản giao thông chỉ là tài khoản giao thông, không phải là ví điện tử. Do vậy, chủ phương tiện phải nạp tiền vào thẻ. “Đối với Viettel, chúng tôi đã có ví điện tử Viettel Pay, Viettel Money. Chủ phương tiện hoàn toàn có thể kết nối, liên kết trực tiếp sang Viettel Money để lưu thông qua trạm. Khi không đi đường, số tiền dư trong tài khoản có thể dùng vào các việc khác” - ông Trình nói.

Trong khi đó, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Thu phí tự động VETC, thông tin ngay từ năm 2015, nhiều đơn vị, khách hàng đã hỏi vì sao NH không cho họ trừ vào tài khoản NH. “Trên thế giới cũng chưa có đơn vị nào trừ trực tiếp trên tài khoản NH” - ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vinh, tài khoản NH là tài khoản mật của cá nhân/chủ phương tiện, không có đơn vị NH nào cho phép đơn vị thứ ba truy cập vào hệ thống NH để lấy tiền của khách hàng. “Đây là vấn đề bảo mật của NH” - vẫn lời ông Vinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm