"Trái tim tài chính" của Mỹ đã trải qua một trong những thời khắc đáng sợ nhất sau khi chỉ số Dow Jones trượt dốc không phanh hôm 6-5. Không một tín hiệu báo trước, trận "động đất" Phố Uôn diễn ra quá đột ngột. Từ chỗ giao dịch chậm chạp với biến động trong biên độ hẹp của các chỉ số khi mở cửa vào phiên giao dịch cuối tuần, Dow Jones bất ngờ đảo chiều với các lệnh bán lô rất lớn ở mức giá thấp dưới tham chiếu vào giữa phiên buổi sáng.
Thị trường bắt đầu xôn xao. Sự hoang mang tăng lên tột độ khi cổ phiếu của hãng sản xuất hàng tiêu dùng danh tiếng Procter & Gamble, một thành phần quan trọng của Dow Jones tụt dốc với tốc độ phi mã, mất tới 37% giá trị chỉ trong 15 phút, xuống dưới 40 USD/cổ phiếu. Trong thời gian đó, khoảng 30 công ty hàng đầu của Mỹ tròn mắt chứng kiến giá cổ phiếu của mình rớt thê thảm. Nhiều chứng khoán khác có lúc mất gần như toàn bộ giá trị, như cổ phiếu Accenture thậm chí gần như bị thổi bay từ ngưỡng 40,13 USD xuống chỉ còn 1 cent trong khi Oxford Industries chạm đáy 1,34 USD… Chỉ số trung bình Dow Jones mất 998,5 điểm, rơi xuống điểm đáy (9.869,62 điểm). Theo số liệu của Bloomberg, hơn 1.000 tỷ USD đã bốc hơi chưa đầy 10 phút khi chỉ số Dow Jones sụt 9,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1987.
Vẻ buồn bã của nhà đầu tư tại sàn giao dịch Niu Yoóc hôm 6-5. Ảnh: AP
Mặc dù đến cuối ngày, sóng gió đã qua và Phố Uôn phục hồi được hai phần ba tổn thất, các nhà đầu tư cho đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng. Đâu là nguyên nhân của vụ sụp đổ mới rồi ở Phố Uôn? Tai nạn như vậy có xảy ra lần nữa hay không? Những câu hỏi lớn này đang quấn lấy tâm trí người Mỹ và cả thế giới. Hôm 7-5, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) cho biết họ đang điều tra vụ việc. Tuy nhiên, theo nhận xét của hãng tin AP thì đến nay câu hỏi vẫn nhiều hơn câu trả lời. Câu hỏi là: Phải chăng một lệnh sai đã được người giao dịch nhập vào? Hay hệ thống giao dịch được vi tính hóa gặp trục trặc?...
Hãng CNBC dẫn các nguồn tin cho thấy lỗi nhập máy tính ở một công ty lớn, được gọi bằng thuật ngữ "ngón tay mập", có thể là nguyên nhân của sự xáo trộn khủng khiếp này. Một nhân viên giao dịch đã gõ nhầm chữ "b" (viết tắt của từ billion có nghĩa là tỷ) thay vì "m" (million - triệu). Vì vậy, thay vì đặt 16 triệu USD, nhân viên này đã đặt 16 tỷ USD. Cũng theo CNBC, công ty bị nghi ngờ là Citigroup. Tuy nhiên, người phát ngôn của Citigroup tuyên bố tin đồn về lỗi giao dịch của nhân viên công ty họ là không có cơ sở. Trong một tuyên bố khác, P&G cho rằng giá cổ phiếu của họ xuống dốc thê thảm do sự cố xảy ra tại sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Nhưng ngay lập tức Nasdaq phủ nhận điều này, thay vào đó, họ quay ra công kích NYSE vì đã hoãn giao dịch khi giá chứng khoán lao dốc. Khi nhận thấy cổ phiếu của P&G có dấu hiệu lạ và mất 10% giá trị, NYSE đã cho hoãn giao dịch trong một khoảng thời gian rất ngắn để điều tiết thị trường.
Việc Nasdaq tuyên bố không hề phát hiện bất kỳ một lỗi giao dịch nào cũng như Citigroup phủ nhận cáo buộc là "tội đồ" của thảm họa đã khiến cuộc truy lùng thủ phạm chưa có manh mối rõ ràng. Những dấu hiệu bất thường của sự cố hy hữu đã làm Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đứng ngồi không yên. Phát biểu từ Oa-sinh-tơn, ông Ô-ba-ma thề sẽ điều tra ngọn ngành nguyên nhân. Động thái của ông chủ Nhà Trắng cho thấy sự việc không còn là vấn đề nội bộ của Phố Uôn. Người đứng đầu nước Mỹ lo ngại nền kinh tế đầu tàu thế giới vốn đã chịu nhiều vết thương chí mạng sau "bão" tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục bị di chứng nặng và nỗ lực trấn an các nhà đầu tư đang rối bời trong lo lắng sẽ khó khăn hơn.
Mặc dù sóng gió đã qua đi và Phố Uôn đã phần nào "hoàn hồn", song điều đáng nói là không ai có thể bảo đảm tình trạng này sẽ không trở lại. Điều này đặc biệt hệ trọng trong kỷ nguyên mà khủng bố công nghệ cao đang trở thành một mối đe dọa ngày càng sát sườn.
Theo Ngọc Hà (QĐND)