Vụ VN Pharma: Đề nghị chuyển sang tội buôn bán hàng giả

Ngày 24-10, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên phúc thẩm vụ án buôn lậu, làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu tại Công ty CP VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng, tổng giám đốc, cùng đồng phạm thực hiện.

Chiều cùng ngày, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu bổ sung quan điểm tranh luận đề nghị hủy án điều tra lại theo hướng chuyển tội danh đối với các bị cáo từ buôn lậu sang tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Bộ Y tế thừa nhận có sai sót

HĐXX đã hỏi đại diện Bộ Y tế (BYT), Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng một số cá nhân liên quan. Theo đó, Cục Quản lý dược BYT là đơn vị cấp phép cho lô hàng thuốc trị ung thư H-Capita không rõ nguồn gốc và một số lô thuốc khác của Công ty VN Pharma. Bộ Công Thương, đơn vị cấp “giấy phép con” trong quá trình xuất nhập khẩu thuốc và Bộ Ngoại giao là đơn vị xác nhận về sự “không tồn tại” của Công ty Helix Canada, đơn vị sản xuất thuốc H-Capita.

Tại tòa, ông Đỗ Trung Hưng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, BYT) cho biết Bộ đã có công văn trả lời các câu hỏi HĐXX trước đó mà một đại diện khác đến ghi nhận về báo cáo. Trả lời trực tiếp về việc cấp phép cho công ty dược nước ngoài tại Việt Nam (VN), ông Hưng cho biết dựa vào các quyết định, thông tư về việc nhập khẩu thuốc và hướng dẫn doanh nghiệp (DN) bán thuốc tại VN.

Chủ tọa hỏi: “Ông nghĩ gì khi Bộ Ngoại giao từng trả lời cơ quan điều tra là Công ty Helix Canada không có đăng ký kinh doanh, hoạt động?”. Ông Hưng đáp: “Trong thành phần hồ sơ xin cấp phép của công ty Canada, BYT thấy có giấy đăng ký kinh doanh được hợp pháp hóa lãnh sự”.

Tòa truy việc xác định tính hợp pháp của hồ sơ xin cấp phép này có phải là bắt buộc không. Ông Hưng cho là bắt buộc nhưng xác minh thế nào thì không rõ, sau đó ông chuyển câu hỏi cho một nữ phó trưởng phòng Quản lý dược Cục Quản lý dược trả lời. Bà này cho biết việc xác minh truy xuất nguồn gốc của DN là quy định bắt buộc. Nhưng khi tòa hỏi Cục đã làm việc này chưa thì bà nói là chỉ xem xét trên giấy tờ. Tòa tiếp tục truy thì bà cho rằng việc cấp phép đã “làm theo quy trình”.

Chủ tọa đặt vấn đề: “Thẩm định hồ sơ nhập thuốc của VN Pharma có 10 người nhưng chỉ có bảy người ký, ba người không ký biên bản vì phát hiện hồ sơ không ổn. Vậy việc cấp phép cho nhập khẩu thuốc có đúng quy định và hợp lệ không?”. Ông Hưng cho rằng quy định không bắt buộc tất cả, chỉ cần ít nhất hai chuyên gia đồng ý là được. Trong việc cấp phép VN Pharma có 3/4 chuyên gia đồng ý.

Nguyễn Minh Hùng khóc nức nở khi nói lời sau cùng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trả lời VKS, ông Hưng nói việc Cục Quản lý dược cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu thuốc H-Capita không đúng quy trình, có sai sót trong việc thẩm định hồ sơ. Và đó là trách nhiệm của lãnh đạo cấp phép. Liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc thuốc H-Capita, ông Hưng cho rằng thuốc H-Capita là thuốc cũ nên không cần truy xuất.

VKS hỏi việc cấp phép Cục Quản lý dược đã làm hết trách nhiệm chưa. Ông Hưng nói ngắn gọn: “Đã làm theo đúng quy trình, quy định”. Nhưng nhiều câu hỏi về liên quan tới vụ án như tên thuốc có đúng với đơn đặt hàng không, việc Công ty Austin xin hoạt động tại VN ngày tháng năm nào…, ông Hưng ấp úng không trả lời được và đề nghị xin được chuẩn bị hồ sơ.

Đặc biệt tại tòa, VKS đề nghị HĐXX có biện pháp nhắc nhở ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng BYT; ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, vì tòa có triệu tập nhưng không đến phiên xử. Theo VKS, hai cá nhân này liên quan trực tiếp việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc H-Capita.

VKS: Có dấu hiệu buôn bán thuốc giả

Phát biểu bổ sung tranh luận sau đó, VKS cho rằng sau khi xét hỏi thêm đã làm rõ hơn hành vi phạm tội của các bị cáo. VKS cho rằng như quan điểm trước đó đã phân tích VKS thấy kết quả giám định thuốc của BYT có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án.

Cụ thể kết luận giám định ghi lô thuốc là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người. Trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người. Kết luận chỉ cho rằng thuốc kém chất lượng mà không kết luận là thuốc giả. Cục Quản lý dược đã tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm. Sau đó cục này lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu là chưa đảm bảo tính khách quan.

Mặt khác, Điều 2 Luật Dược năm 2005 và Điều 4 Nghị định 08/2013 của Chính phủ quy định: “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”. Tại khoản 24 Điều 2 quy định: “Thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: Không có dược chất; có dược chất nhưng không có hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác...

Vì vậy cần thiết phải trưng cầu giám định lại thuốc để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Bởi kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng và là cơ sở để định tội danh các bị cáo.

Cũng theo VKS, trong vụ án này các bị cáo không chỉ làm theo chỉ đạo của Nguyễn Minh Hùng mà các bị cáo đều có chuyên môn nghiệp vụ hiểu rõ việc mình làm. Bị cáo Hùng là chủ mưu, câu kết chặt chẽ với các bị cáo khác. Hồ sơ kỹ thuật thuốc, tên thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc... đều do các bị cáo tạo dựng.

Hành vi của các bị cáo có dấu hiệu tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Vì vậy cần phải khởi tố để điều tra về hành vi này. Từ đó VKS đề nghị chấp nhận kháng nghị phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại để xử lý đúng người, đúng tội.

Tranh luận với các luật sư về việc HĐXX ra quyết định bắt tạm giam bị cáo Hùng và Võ Mạnh Cường, tại buổi xét xử ngày 23-10, VKS cho rằng tòa làm đúng luật.

Theo các luật sư, đây là việc chưa có tiền lệ và liệu có đúng luật không nhưng VKS dẫn ra các quy định để khẳng định HĐXX đã làm đúng.

Vì vụ án có nhiều vấn đề phức tạp nên chủ tọa thông báo HĐXX sẽ nghị án kéo dài, dự kiến tuyên án vào sáng 30-10.

“Bị cáo đẩy bệnh nhân ung thư vào con đường cùng”

Trước khi nghị án, nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã bật khóc nức nở xin được tại ngoại. Bị cáo nói: “Từ ngày điều tra tới hôm nay luôn trong tâm thế thành khẩn và chấp nhận những gì mình làm sai, ăn năn hối cải để làm lại. Bị cáo bị tạm giam, gia đình đã mất tất cả, không còn gì cả, cha mẹ già cả rồi. Xin HĐXX cho bị cáo được tại ngoại để bị cáo chăm sóc cha mẹ già và người vợ đang có thai. Xin sự khoan hồng của pháp luật để bị cáo có cơ hội làm lại, làm người công dân có ích cho xã hội. Bị cáo cầu xin HĐXX cho nhân viên của mình được hưởng mức án tốt nhất, họ cũng chỉ là người làm công ăn lương...”.

Nghe bị cáo Hùng nói, chủ tọa nhắc: ”Nếu bị cáo nói thế, tôi thay mặt HĐXX nhắn nhủ với bị cáo điều này: Trước khi đứng trước tòa hôm nay, bị cáo đã làm giả hồ sơ nhập thuốc không đạt chất lượng, còn nâng khống giá thuốc. Bị cáo đẩy những bệnh nhân ung thư vào con đường cùng. Ngoài bản án sau này tòa áp dụng, các bị cáo còn đối diện với bản án lương tri của mình suốt cuộc đời…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm