Dự án xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 1 - tuyến tramway số 1, chạy dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt từ Sài Gòn đi Chợ Lớn, Bến xe Miền Tây, dài khoảng 12,5 km được triển khai nghiên cứu từ đầu năm 2008. Liên danh TTI (gồm Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Danh và Công ty Titanium Management của Malaysia) được UBND TP giao nghiên cứu đầu tư dự án này theo hình thức BOT.
Tư cách pháp nhân nhập nhằng
Điều khó hiểu trước tiên là không rõ vì sao trong quá trình đàm phán để nghiên cứu dự án, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ, đồng thời là đại diện pháp lý của Công ty Thanh Danh cứ luôn lấy pháp nhân của Công ty Thanh Danh ra làm việc mà không có xác nhận của Công ty Titanium Management hoặc văn bản ủy quyền của Liên danh TTI.
Tháng 3-2010, Sở GTVT đã một lần ra văn bản yêu cầu Liên danh TTI cần khẳng định tính pháp lý của mình khi làm việc với tổ công tác liên ngành thực hiện tuyến tramway số 1.
Mặt khác, dù Công ty Thanh Danh là một trong năm thành viên sáng lập Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ (sau này đổi thành Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ - xin tạm gọi là PMC) thì cũng không thể đưa PMC can dự vào việc nghiên cứu đầu tư dự án BOT tuyến tramway số 1 này. Bởi về pháp lý, UBND TP giao cho Liên danh TTI, hoàn toàn không giao cho PMC hay giao cho riêng một mình Công ty Thanh Danh.
Phía sát mép bờ kênh dọc đại lộ Võ Văn Kiệt đã được dành sẵn cho xây dựng tuyến tramway nhưng phải tạm ngưng. Ảnh: LĐ
Tháng 12-2010, tổ công tác liên ngành lại báo cáo lên UBND TP: Tư cách pháp nhân của Liên danh TTI chưa rõ ràng, vì PMC đứng đầu và ký các văn bản thay mặt Liên danh TTI để đàm phán khi chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận.
Đòi hỏi quá nhiều quyền lợi
Tháng 4-2010, ông Nguyễn Thành Thái thay mặt Liên danh TTI trình UBND TP phương án tài chính BOT của dự án tramway số 1 với tổng mức đầu tư là 222 triệu euro (tương đương khoảng 7.000 tỉ VND) và thời gian là 25 năm. Theo tổ công tác liên ngành, tổng mức đầu tư trên là rất cao so với mặt bằng chung.
Liên danh TTI cho rằng để bảo đảm tính khả thi cho việc thu hồi vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư BOT thì trong 15 năm đầu (2013-2027) đưa tuyến tramway vào hoạt động, TP phải bù giá cho họ 10.750 tỉ đồng. Tùy từng giai đoạn, TP sẽ phải bù vào giá vé cho hành khách đi tramway từ 7.500-15.000 đồng/người/lượt. Như vậy tổng mức bù giá hằng năm trung bình 717 tỉ đồng, gần bằng mức bù giá cho 120 tuyến xe buýt của TP năm 2010 - gần 800 tỉ đồng.
Theo tổ công tác liên ngành TP, hình thức đầu tư tuyến tramway số 1 mà Liên danh TTI đưa ra không phải là BOT mà là xây dựng, mua sắm thiết bị và khai thác theo giá vé vận tải khách công cộng được bù giá từ ngân sách TP. Như vậy, nó tương tự hình thức đầu tư khai thác và trợ giá xe buýt hiện nay của TP.
Lại nữa, Liên danh TTI còn yêu cầu được giao các khu đất dọc theo tuyến tramway để xây dựng các khu trung tâm thương mại, căn hộ kinh doanh, tạo lợi nhuận. “Liên danh TTI đòi cả BOT, BT và cả ngân sách trợ giá thì quá hỗn tạp, khó chấp nhận!” - một cán bộ trong tổ công tác liên ngành nói.
Thay bằng xe buýt nhanh
Ngay sau khi tổ công tác, Ban Quản lý đường sắt đô thị có kiến nghị và UBND TP chính thức ra văn bản ngừng đàm phán với Liên danh TTI về xây dựng tuyến tramway số 1, Sở GTVT đã có văn bản trình UBND TP cho triển khai ngay tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn để thay thế. Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, điều kiện hạ tầng trên tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt hiện đang khai thác rất phù hợp với loại buýt này. Mặt khác, chi phí đầu tư thay thế cho tramway sẽ rất thấp. Cụ thể, đầu tư cho tramway thì cần khoảng 20 triệu USD/km, còn cho buýt nhanh khối lượng lớn chỉ 1-2 triệu USD/km và đầu tư trong thời gian ngắn là đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, giải quyết sớm tình hình ùn tắc…
Chưa chứng minh nguồn vốn Trong năm 2010, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC, nhiều lần thông báo với báo giới rằng Phú Mỹ sẽ phát hành 2,55 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 745 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng; sẽ phát hành trái phiếu quốc tế đầu tư giao thông hoặc vay ngân hàng có sự bảo lãnh của Chính phủ… Việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu quốc tế hoặc đi vay ngân hàng nhằm có vốn để xây dựng ba công trình lớn là cầu Sài Gòn 2, tuyến tramway số 1 và đường kết nối từ cầu Phú Mỹ đến xa lộ Hà Nội. Với tuyến tramway số 1, ông Thái đưa ra hình thức trái phiếu quốc tế và vay có sự bảo lãnh của Chính phủ để chứng minh nguồn vốn thực hiện dự án. Theo quy định của pháp luật và yêu cầu của các tổ chức ngân hàng, tín dụng quốc tế, quy trình bảo lãnh vay (hoặc phát hành trái phiếu) diễn ra theo tuần tự sau: Đàm phán (giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với Phú Mỹ) kết thúc thành công -> hai bên ký hợp đồng BOT vắn tắt -> chủ đầu tư xin, được cấp giấy chứng nhận đầu tư -> hợp đồng BOT chính thức -> chủ đầu tư đề xuất, cơ quan có thẩm quyền trình lên UBND TP để trình tiếp lên Chính phủ chỉ định UBND đứng ra bảo lãnh cho vay (hoặc phát hành trái phiếu). Đối chiếu lại thực tế, Phú Mỹ mới đến giai đoạn đàm phán. Tuy nhiên, bên ngoài bàn đàm phán, ông Thái vẫn tiếp tục dự nói rằng tuyến tramway số 1 là do PMC và Liên danh TTI làm chủ đầu tư, được Chính phủ bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu quốc tế… Tháng 12-2010, tổ công tác liên ngành thực hiện tuyến tramway số 1 chính thức báo cáo UBND TP: “Liên danh TTI chưa chứng minh được năng lực tài chính của chủ dự án BOT ở cả nguồn vốn chủ dự án sở hữu và nguồn vốn vay để thực hiện dự án”. ___________________________________________________ 10.750 tỉ đồng là số tiền Liên danh TTI yêu cầu TP bù lỗ trong 15 năm. Số tiền này đủ để mua 10.000 chiếc xe buýt mới. Với riêng tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt, chỉ cần đầu tư 40-50 chiếc xe buýt đời mới, loại 80 chỗ là đáp ứng được nhu cầu. Ông LÊ VĂN DIỄN,Giám đốc Ban Quản lý dự án chuẩn bị đầu tư, thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Trong đàm phán, TP luôn chừa một khoảng 5%-10% lợi nhuận cho nhà đầu tư BOT với điều kiện họ phải chứng minh được nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện dự án. Với tuyến tramway số 1, Liên danh TTI chưa chứng minh được hai nguồn vốn trên nhưng lại tính lợi nhuận cho mình quá lớn. Ông NGUYỄN VĂN QUỐC,Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị |
LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG