Ứng phó thiên tai vào trường học

Ứng phó thiên tai vào trường học ảnh 1
Học sinh và giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM diễn tập cứu nạn, cứu hộ trong khi chữa cháy. Đây là một hoạt động thường niên của trường nhằm giáo dục học sinh ứng phó với hoàn cảnh khẩn cấp - Ảnh: N.Đ.
Trao đổi với PV, Th.s Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: Ở TP.HCM, những năm gần đây các trường mầm non, tiểu học, THCS, và THPT tại Q.1, Q.3, Q.5, Q.Phú Nhuận... đã đưa nội dung ứng phó với các hoàn cảnh khẩn cấp như: cháy nổ, động đất, bão biển... vào chương trình giáo dục học sinh. Trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, học sinh sẽ được học lý thuyết đồng thời thực hành ứng phó với các thảm họa trên thông qua các cuộc tổng diễn tập do nhà trường tổ chức. - TP.HCM nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong những khu vực của cả nước chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Triều cường, lốc xoáy, mưa bão... ảnh hưởng đến đường sá, nhà cửa gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống người dân trên địa bàn thành phố, trong đó có việc đi lại, học tập của học sinh. Công tác khôi phục sau thiên tai là vấn đề luôn đòi hỏi toàn ngành chủ động và tìm ra nhiều giải pháp. Việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu là nội dung trọng tâm mà ngành GD-ĐT TP.HCM đang tuyên truyền để thực hiện rộng khắp ở tất cả các cấp học, ngành học. Đây cũng là một nội dung trong Dự án bạn hữu trẻ em TP.HCM của Unicef. Năm học trước sở chỉ tập huấn cho đại diện các trường, phòng GD-ĐT một số địa phương thường gặp thiên tai như: Cần Giờ, Nhà Bè... Riêng năm nay đối tượng được dự tập huấn là đại diện các phòng GD-ĐT, đại diện các trường THPT, trung tâm GDTX trên toàn thành phố. Mục đích của các buổi tập huấn là nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giáo viên; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo. Tất cả nhằm hạn chế tối đa sự gián đoạn các hoạt động dạy - học. Nội dung tập huấn xoay quanh các vấn đề: biết xây dựng kế hoạch phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với hoàn cảnh khẩn cấp; chủ động, sẵn sàng ứng phó với những vấn đề trên; những cách thức giảm thiểu tác hại của thiên tai... * Như vậy, việc đưa những nội dung trên vào chương trình giảng dạy cho học sinh như thế nào, thưa bà?- Việc giảng dạy cho học sinh sẽ được thực hiện theo dạng tích hợp, lồng ghép có chọn lọc những kiến thức về công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu vào các môn học trong chương trình. Tùy từng cấp học, bậc học, Sở GD-ĐT TP sẽ có hướng dẫn cụ thể sau. Ví dụ bậc THPT có thể tích hợp vào các môn: vật lý, hóa học, sinh vật, địa lý, công nghệ. Bậc tiểu học có thể tích hợp vào môn tự nhiên xã hội... Vấn đề này không mới bởi TP.HCM đã và đang thực hiện giáo dục tích hợp, lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Các nội dung giáo dục như: Ứng phó với biến đổi khí hậu, Môi trường, Kỹ năng sống, Phòng chống tai nạn thương tích, Chuẩn tối thiểu về giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp, Hỗ trợ tâm lý trẻ em trong các hoạt động giáo dục hoàn cảnh khẩn cấp sẽ được phối hợp trong giảng dạy để tránh chồng chéo, quá tải cho học sinh. Ngoài ra, các trường cũng sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên liên quan tới công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu. Nội dung trên cũng có thể tích hợp vào các phong trào của ngành giáo dục như: xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; tuyên truyền phổ cập bơi trong các cơ sở giáo dục phổ thông; công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật... * Qua sự việc về cơn bão số 13 vừa rồi, ngành GD-ĐT TP đã rút ra kinh nghiệm gì trong việc ứng phó với thiên tai?- Sở GD-ĐT TP đã theo dõi thông tin rất sát từ ngành khí tượng thủy văn, đồng thời có thông báo khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn cho cả học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, tại một số quận, huyện có lẽ còn lúng túng nên chưa có quyết định phù hợp. Tôi cho rằng đó là một thực tiễn quý báu giúp ngành GD-ĐT chủ động hơn, sáng suốt hơn trong việc ứng phó với thiên tai.

* Ông Dương Văn Thư (trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ, TP.HCM):

Điều cần làm trong giai đoạn hiện nay

So với các quận, huyện khác ở TP.HCM thì Cần Giờ là địa phương thường xuyên phải hứng chịu những thảm cảnh của thiên tai như mưa bão, hạn hán... Việc tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phương pháp ứng phó với thiên tai, với sự biến đổi khí hậu là rất cần thiết. Giáo dục cho học sinh về những nội dung trên cũng là điều cần làm, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

* Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh (nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM):

Thực hành theo tình huống giả định

Giáo dục học sinh cách ứng phó với hiểm họa, thiên tai, biến đổi khí hậu là rất cần thiết. Tuy nhiên, để giảng dạy hiệu quả, bắt buộc phải cho các em thực hành chứ nếu chỉ dạy lý thuyết chung chung thì các em sẽ mau chóng quên ngay. Khi gặp tình huống thật, học sinh rất dễ hoảng loạn và không thể nhớ mình cần làm gì.

Ở Trường tiểu học Lương Định Của, ban giám hiệu trường thường tổ chức các tiết giáo dục học sinh cách ứng phó với hiểm họa, thiên tai vào tháng 8 hằng năm - khoảng thời gian học sinh mới tựu trường, chuẩn bị cho năm học mới. Tùy vào nội dung, có năm học sinh học cách ứng phó với hỏa hoạn khi đang ngồi học trong lớp; có năm nhà trường đưa ra tình huống ứng phó với hỏa hoạn trong giờ ra chơi; có năm là sự cố chập điện, động đất... Với mỗi sự kiện như thế, nhà trường đều cho học sinh học lý thuyết trước, sau đó sẽ thực hành theo các tình huống giả định.


Theo HOÀNG HƯƠNG (TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm