Dập Ebola ngay ca bệnh đầu tiên

Ngày 10-8, Bộ Y tế  chính thức đưa vào vận hành Văn phòng đáp ứng khẩn cấp làm đầu mối phối hợp quốc tế (trong đó có phối hợp với WHO và Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ) và kết nối, hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh Ebola có nguy cơ lây lan vào Việt Nam.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trường Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân, đồng thời chỉ định các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập và có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng. Khi có trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu sẽ chuyển về cơ sở điều trị cách ly gồm BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), BV Trung ương Huế, BV Đà Nẵng, BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa; BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và BV Đa khoa Cần Thơ.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, rà soát cơ sở cách ly, phương tiện vận chuyển cấp cứu, hóa chất chống dịch. Bộ cũng đã có kế hoạch mua khẩn cấp 10.000 bộ trang phục phòng hộ cá nhân, tổ chức tập huấn, diễn tập phòng, chống dịch cho cán bộ y tế và các cơ sở y tế.

Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất giám sát thân nhiệt của hành khách qua máy đo. Ảnh: TTXVN

Theo ông Phu, ngày 15-8 tới đây thì tất cả cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường hàng không sẽ thực hiện khai báo y tế với những du khách đến từ châu Phi.

“Tuy nhiên, thực hiện khai báo toàn bộ những người đi từ châu Phi sang Việt Nam cũng có cái khó. Những người đi từ châu Phi về không tập trung vào một hãng hàng không bay mà đi nhiều hãng hàng không khác. Chúng tôi phải giao cho công an cửa khẩu hướng dẫn khai báo y tế sau đó mới được nhập cảnh. Những hành khách đến từ đường bộ thì bộ đội biên phòng hướng dẫn khai báo y tế. Nếu hành khách có triệu chứng mắc bệnh Ebola thì tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm” - ông Phu nói.

Ông Phu cho biết tại Việt Nam mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng Bộ Y tế nhìn nhận đây là bệnh dịch rất nguy hiểm vì vậy Bộ Y tế sẽ không chủ quan.

Ông Phu cũng lưu ý người dân nên bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá mức. Để phòng bệnh cần chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, vệ sinh nhà cửa… Khi có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi… thì nên đến cơ sở y tế kịp thời.

Trước tình hình dịch sởi trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội khoanh vùng dập tắt ngay từ ca bệnh đầu tiên nếu có, đồng thời có biện pháp phòng, chống cho người dân.

Bà Ngọc cũng yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo chủ động ứng phó kịp thời với dịch bệnh. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát dịch bệnh với các đối tượng có nguy cơ, phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, giám sát chặt chẽ các trường hợp khách du lịch, người lao động về từ các vùng có dịch hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các vùng có dịch.

Đồng thời chỉ đạo việc sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định. Thực hiện khai báo tại sân bay Nội Bài với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch, đồng thời kiểm soát, chỉ đạo xử lý dịch nhanh trên các chuyến bay.

Theo Bộ Y tế, từ khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, đã có hơn 1.700 người mắc trong đó gần 1.000 người tử vong.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm