Trung Quốc di chuyển giàn khoan là động thái có toan tính

Đó là phát biểu của ông GS Baladas Ghoshal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) tại hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam” do Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng 26/7, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM).

Các chuyên gia đang thảo luận bên lề hội thảo sáng ngày 26-7.  

Ông Baladas Ghoshal nhận định, việc TQ di chuyển giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng kinh tế đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam có thể là một biểu hiện của sự thận trọng, là động thái có toan tính, nhất là để ngăn chặn sự hợp lực của các quốc gia để đối ứng với TQ.

Phân tích như thế, ông Baladas Ghoshal cho rằng, tiếng nói của ASEAN sẽ góp phần kiềm chế tham vọng của TQ, khiến nước này không thể sử dụng và đe doạ bằng vũ lực. Vị này cũng cho rằng Việt Nam nên lựa chọn biện pháp theo đuổi thủ tục trọng tài quốc tế hoặc nộp đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;  cùng ASEAN và TQ ký Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Luật gia Veeramalla Anjaiah, Phó tổng biên tập Daily Jakarta Post (Indonesia) trong bài tham luận của mình, ông cũng cho rằng, việc hạ đặt giàn khoan là một sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các các bên ở biển Đông (DOC). Vị luật gia này kêu gọi ASEAN cần nhanh chóng đoàn kết, đồng thuận để cùng TQ ký COC nhằm góp phần ngăn ngừa và giải quyết hiệu quả các tranh chấp. Đồng thời ASEAN cần vận động các quốc gia ngoài khối như Mỹ, Nhật Bản, Úc… ủng hộ trong tiến trình giải quyết hoà bình các tranh chấp trên biển Đông với TQ.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, bà Jeanne Mirer, Chủ tịch của Hiệp hội Luật sư dân chủ quốc tế cho rằng, TQ chưa bao giờ thừa nhận mình làm sai, kể cả những cái sai mà cộng đồng thế giới lên án mạnh mẽ như việc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Cho nên, bà Jeanne Mirer nhận định, TQ sẽ không dừng lại dù nước này đã dịch chuyển giàn khoan. Do đó, các chuyên gia luật pháp quốc tế cần ngồi lại với nhau nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất để đối phó với những bước đi tiếp theo rất khó lường của TQ.

Tại hội thảo, các học giả đã thống nhất nhận định, các biện pháp chính trị ngoại giao là giải pháp đặc biệt quan trọng được qui định trong luật quốc tế và cụ thể là Điều 33 khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp quốc, một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong luật quốc tế. Chính vì vậy, phần lớn các tranh chấp quốc tế từ trước đến nay, trong đó có tranh chấp về lãnh thổ đã được các quốc gia sử dụng biện pháp chính trị ngoại giao để giải quyết.

Hội thảo có sự tham dự của 30 học giả hàng đầu về luật quốc tế và luật biển đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của GS Alexander Yankov, nguyên Thẩm phán Tòa án La Hay, Thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển.

TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.