Bóc gỡ đường dây môi giới, làm giả giấy chứng nhận kết quả thi đại học

Trong vụ án này, ngoài sơ xuất của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì trong việc thẩm định hồ sơ cũng có lỗi từ những người là cha mẹ của các học sinh trên. Thay vì động viên con tiếp tục học tập, họ lại dùng tiền mua các giấy chứng nhận kết quả thi đại học giả với mong muốn con có tấm bằng đại học trong tay...

Liên quan đến vụ án trên, chiều 15/9, Đại tá Lê Minh Quang, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Đến ngày 15/9, đã có 11 bị can bị khởi tố về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, phần lớn trong số đó hiện là công chức của một cơ quan Nhà nước. Từ vụ án này, cũng bộc lộ một số sơ hở của UBND cấp xã, phường trong việc chứng thực hồ sơ công chứng… tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Vụ án mở ra từ việc cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ có thông tin về một số đối tượng dùng giấy chứng nhận kết quả thi đại học năm 2012 giả (giấy chứng nhận kết quả thi đại học có số điểm cao hơn điểm thi thực tế của sinh viên hoặc sinh viên có giấy chứng nhận kết quả thi đại học của trường mà không dự thi) để xét tuyển vào Đại học Công nghiệp Việt Trì.

Lần tìm trong hàng nghìn hồ sơ, các lực lượng nghiệp vụ phát hiện 17 trường hợp có điểm thi đối chiếu thấp hơn so với thực tế, trong đó có 16 trường hợp là người trong tỉnh Phú Thọ, 1 trường hợp ở Thanh Hóa. Cầm đầu đường dây làm giả giấy chứng nhận kết quả thi đại học năm 2012 là Nguyễn Mạnh Thái (35 tuổi, thường trú tại phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).

Theo lời khai của Thái thì do nắm được nhu cầu tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì; nhu cầu của số học sinh thi trượt đại học năm 2012 và đặc biệt là điều kiện xét tuyển của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì năm 2012, chỉ yêu cầu học sinh nộp bản sao có giấy chứng nhận kết quả thi đại học, nên đối tượng này nảy sinh ý định làm giả giấy chứng nhận kết quả thi đại học kiếm lời. Thái trực tiếp nhận hồ sơ của một trường hợp là Đoàn Ngọc H., trú tại Tuyên Quang. Trước đó, H. thi vào Trường Đại học Hùng Vương, khối B đạt điểm 10 trên tổng số 3 môn thi.

Theo tiêu chuẩn, H. không đủ điểm sàn để xét tuyển thi đại học. Vào khoảng tháng 10/2012, mẹ của H. là bà Phan Thị Kim Q. với mong muốn con trai có được một tấm bằng đại học, đã đồng ý chi 20 triệu đồng để Thái sửa từ 10 điểm thành 12 điểm. Với bộ giấy tờ giả này, H nghiễm nhiên trở thành một sinh viên…

Trong vụ án này, bà Q., con trai bà Q. và 16 trường hợp khác vừa là người bị hại, đồng thời cũng là người vi phạm. Có trường hợp biết rõ giấy báo điểm là giả nhưng vì lợi ích cá nhân họ vẫn nhắm mắt làm liều. Trường hợp của bà Trương Thị Ng., mẹ của “sinh viên” Trương Thị Ánh H. (trú tại huyện Thanh Sơn) là một minh chứng. Qua một người tên là Hùng, bà Ng gặp Hồ Văn Hữu, một người làm nghề photocopy tại thị xã Phú Thọ… Sau khi nhận được giấy báo điểm, H. biết đây là giấy tờ giả vì điểm thi đại học của H. từ 9 điểm đã được sửa thành 12,75 điểm, đủ điểm để vào Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Song cũng vì quyền lợi, cô gái này cũng chọn giải pháp im lặng.

Quá trình đấu tranh, mở rộng vụ án, Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã lần lượt làm rõ các chân rết gồm Bùi Nam Tú, cán bộ Trường Trung cấp nghiệp vụ Sông Hồng (Phú Thọ); Vũ Thị Hồng, kế toán Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Phú Thọ; Vũ Thị Thu, kế toán Trung tâm Dạy nghề Tiên Phú, Phù Ninh (Phú Thọ); Hồ Văn Hữu, làm nghề photocopy tại thị xã Phú Thọ; Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Thọ và Phạm Thị Tuyến, cũng trú tại tỉnh Phú Thọ.

Theo yêu cầu của Thái, những người này thu tiền và bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi đại học năm 2012 (có số điểm thấp hơn điểm sàn) của các học sinh. Các đối tượng này thu của mỗi gia đình từ 10 đến 40 triệu đồng rồi nộp cho Thái từ 8 đến 20 triệu đồng, số còn lại các đầu mối được hưởng. Khi có các giấy chứng nhận kết quả thi đại học do các đầu mối chuyển về, Thái photo bản gốc giấy chứng nhận rồi cắt, dán chỉnh sửa các thông tin trên bản photo gồm họ và tên thí sinh, số báo danh, mã khu vực, tổng số điểm các môn thi… đảm bảo đủ điều kiện xét tuyển vào hệ đại học tại Đại học Công nghiệp Việt Trì năm 2012.

Khi cắt, dán chỉnh sửa xong, Thái tiếp tục mang đi photo để có bản sao giấy chứng nhận kết quả thi đại học với thông tin giả như trên. Tiếp đó, lợi dụng sơ hở trong công tác chứng thực của một số UBND xã, phường, đối tượng này xin đóng dấu chứng thực vào bản sao các giấy chứng nhận kết quả thi đại học năm 2012 với thông tin giả nêu trên.

Quá trình đấu tranh vụ án, Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định UBND phường Hùng Vương đã xác nhận 6 giấy báo điểm, UBND phường Trường Thịnh chứng thực 3 giấy và UBND xã Đồng Xuân - Thanh Ba 8 giấy cho Thái. Có được bản sao giấy chứng nhận kết quả thi đại học đã được đóng dấu chứng thực của UBND các xã, phường, Thái cùng với cán bộ Phòng Tổ chức Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì làm thủ tục xét tuyển cho 15 trường hợp vào học tại cơ sở 1.

Về phần Thái, đối tượng này làm hồ sơ xét tuyển cho 2 trường hợp tại cơ sở 2, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Phi vụ này thực hiện trót lọt, các đối tượng thu lời bất chính 200 triệu đồng, trong đó Thái được hưởng 60 triệu đồng.

 
Theo Xuân Mai (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm