Ngày 14-11 tại Hà Nội, đã diễn ra buổi tọa đàm “Thách thức bảo tồn từ các dự án phát triển”. Tại buổi tọa đàm, dự án xây dựng cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng đã trở thành ví dụ tiêu biểu để các nhà khoa học, chuyên gia phân tích về hậu quả của các dự án đối với vấn đề bảo tồn các di sản thiên nhiên.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Mỹ lo ngại nếu không đánh giá đầy đủ thì cáp treo dễ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh V.THỊNH
Không thấy ai hỏi nhà khoa học
Buổi tọa đàm xoay quanh một câu hỏi trong lời đề dẫn của chủ tọa: “Liệu chúng ta có nên đánh đổi tài nguyên thiên nhiên để triển khai một dự án phát triển kinh tế?”.
Là nhà địa chất đầu tiên của Việt Nam đi vào động Sơn Đoòng, PGS-TS Tạ Hòa Phương, Chủ nhiệm bộ môn Địa chất lịch sử, khoa Địa chất (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên), băn khoăn: “Tại sao trước khi làm dự án này không thấy có một người nào của chính quyền cũng như tổ chức nào đi gặp nhà khoa học để hỏi xem có nguy cơ gì không. Có vị còn nói là cáp treo không ảnh hưởng gì đến Sơn Đoòng, chắc họ chưa vào nên không biết cái gì bị phá hủy”.
Chung quan điểm trên, GS-TS Vũ Quang Côn, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, đề nghị cần phải minh bạch thông tin dự án này. Ông Côn cũng đưa ra các nguy cơ đối với di sản nếu không có sự tính toán, nghiên cứu chuyên sâu. Theo ông Côn, việc triển khai xây dựng hệ thống cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng có thể sẽ dẫn đến “tai biến thiên nhiên”. Chẳng hạn trần và vách hang có thể xảy ra sập đổ bất cứ lúc nào. Phản biện lại các ý kiến trước đó biện minh rằng việc xây dựng cáp treo sẽ không ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường, ông Côn cho rằng ngay từ khi xây dựng, việc vận chuyển vật liệu, thắp đèn… đã gây ảnh hưởng rồi, chưa kể việc hàng ngàn người đổ lên có thể gây nguy cơ rất lớn đến việc bảo vệ môi trường.
Tránh kiểu muốn góp ý không kịp nữa
UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng không đi trong lòng hang động Sơn Đoòng mà cách cửa sau Sơn Đoòng 300 m. Ảnh: RYAN DEBOOTL
Từ thực tế của một người từng giữ vị trí cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL), PGS-TS Đặng Văn Bài nêu khó khăn: “Tôi từng phải đối đầu với rất nhiều trường hợp để làm sao cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Nếu chúng tôi không “rắn mặt” thì núi Yên Tử đã bị khoét để khai thác than rồi”.
Không phản đối xây dựng cáp treo vì cho rằng đó là phương tiện rất tốt để khai thác du lịch trong thời hiện đại, tuy nhiên PGS-TS Tạ Hòa Phương cho rằng cần phải quy hoạch như thế nào cho hợp lý, đặc biệt không thể đưa tuyến cáp treo vào vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của Phong Nha-Kẻ Bàng mà nên đưa vào các vùng đệm. Bình luận về việc này, ông Nguyễn Văn Mỹ, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nói thêm cáp treo không có tội và cần được nhân rộng để phát triển cả du lịch và cuộc sống. Tuy nhiên, phải đảm bảo hiệu quả và không tổn hại môi trường.
TS Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường Việt Nam, lại đưa đến tọa đàm góc nhìn khác liên quan đến báo cáo tác động môi trường. Ông Kinh trăn trở rằng ông chưa bao giờ thỏa mãn với báo cáo tác động môi trường nguyên do bởi các yếu tố như thời gian, kinh phí. Thêm vào đó, vẫn có những “thủ thuật quản lý không trong sáng” để làm cho báo cáo tác động này không ảnh hưởng nhiều đến việc phê duyệt các dự án.
Tại tọa đàm, cũng có ý kiến băn khoăn việc xây cáp treo vào động Sơn Đoòng mới chỉ dừng lại về mặt ý tưởng, chưa hình thành dự án thì có nên lên tiếng mạnh mẽ hay không. Phản bác lại điều này, nhiều ý kiến cho rằng khi còn là ý tưởng thì vẫn còn có thể góp ý, tránh trường hợp như một số dự án xây cáp treo khác: Khi bắt đầu khởi công thì các nhà khoa học, chuyên gia không kịp góp ý hoặc muốn góp ý cũng không kịp nữa.
Bộ đề nghị phải lấy ý kiến rộng rãi Ngày 14-11, một nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM cho biết lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL nhằm báo cáo bước đầu chủ trương xây dựng dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng. Bộ VH-TT&DL đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đề xuất hai hoặc ba phương án để lấy ý kiến của các bộ, ban ngành trung ương, ý kiến cộng đồng, các cơ quan liên quan trong và ngoài nước. UBND tỉnh Quảng Bình cho biết trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ được khảo sát với nguyên tắc đặt bảo tồn lên hàng đầu để phát huy được giá trị di sản ra bên ngoài một cách bền vững. Theo thông tin chúng tôi được biết Sun Group là đơn vị chủ đầu tư dự án cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ mời các nhà khoa học chuyên ngành của quốc tế và chuyên gia trong nước khảo sát, rà soát kỹ lưỡng dự án tuyến cáp treo này. Cùng ngày, trả lời Pháp Luật TP.HCM trước thông tin được một tờ báo đăng tải thể hiện Bộ VH-TT&DL đã thống nhất chủ trương và đồng ý cho UBND tỉnh Quảng Bình lập dự án xây dựng tuyến cáp treo từ trung tâm Phong Nha vào khu vực hang Sơn Đoòng, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL, khẳng định: “Ngày 13-11, Bộ VH-TT&DL có cuộc làm việc với tỉnh Quảng Bình, tại đây Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu tỉnh có báo cáo đánh giá đầy đủ, có ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia và làm đúng quy trình, lập hồ sơ đầy đủ, báo cáo đánh giá tác động, phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa và các cam kết quốc tế… Bộ không có quyền đồng ý hay không đồng ý mà theo thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định”. V.THỊNH Họ đã nói Có trường hợp chính quyền chỉ nghe nhà đầu tư nói, không nghe nhà khoa học nói. Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Với những dự án liên quan đến bảo tồn di sản và phát triển kinh tế thì nên hỏi ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học ngay từ đầu. PGS-TS ĐẶNG VĂN BÀI, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia |