Chuyện xưa chuyện nay: Sao tết chơi mai?

Tết năm nào nhà tôi cũng chưng mai. Những ngày “trong mùng”, đặc biệt trong ba ngày đầu xuân, sáng nào thức dậy tôi cũng phải chạy ngay đến chỗ cây mai để ngó xem bữa đó mai nở nhiều hay ít. Hôm nào mai rụng nhiều là sốt cả ruột! Chọn phong lan, tuy-líp hay gì gì đó làm đặc trưng cho tết có phải hơn không, vừa dễ chăm, vừa cứng cáp khó rụng. Chẳng biết mai, đào có ý nghĩa đặc biệt gì mà khó “soán ngôi” đến vậy?". Bạn Trần Uyên (tranuyen...@gmail.com) hỏi.

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Trần Uyên,

Trên đời ai cũng thích hoa, dù là người khó tính nhất. Hoa nào cũng đẹp và mỗi loại hoa có hương thơm riêng của nó. Song vì mỗi người có tính nết khác nhau, quan điểm về thẩm mỹ khác nhau, nên có người thích loại hoa này hơn loài hoa khác. Đối với người Việt Nam, vào ngày tết đầu năm âm lịch, ai cũng thích, cũng chuộng hoa mai, hoa đào. Sở thích ấy của chung dân tộc, đã trở thành phong tục, chung với tục đón mừng năm mới. Những ngày đón xuân, người miền Nam, miền Trung thì chơi hoa mai; người miền Bắc thì chơi hoa đào. Thời gian gần đây nhờ việc chuyển vận thuận lợi, mai đã ra tận miền Bắc, đào đã vào tận miền Nam.

Chuyện xưa chuyện nay: Sao tết chơi mai? ảnh 1

Cành mai nở đẹp được xem là điềm lành. Ảnh: INTERNET

Phong tục người Việt chơi mai, chơi đào vào ngày tết, theo tôi biết, vì nhiều lý do. Các nhà nghiên cứu hoa kiểng thường nói mỗi loại hoa thể hiện khí tiết khác nhau. Riêng hoa mai có tính cao thượng, trong sạch, khí phách (Hoàng Quốc Hải, Văn hóa phong tục, NXB Phụ nữ, 2005, trang 369); hoa mai tượng trưng cho sự may mắn, cho niềm hạnh phúc và thịnh vượng của mọi người, mọi nhà (Việt Chương, Nguyễn Việt Thái, Thú chơi mai của người xưa, NXB Mỹ Thuật, 2010, trang 11)...

Còn hoa đào thì từ cuối mùa đông lạnh lẽo, trên cành đào khẳng khiu, hoa đào như bộc phát, nở rộ ra, vì vậy hoa đào tượng trưng cho sự can đảm và hy vọng trong năm mới. Nhiều người ưa chuộng hoa đào vì hoa có màu hồng, sẽ mang lại may mắn. Người ta cũng tin rằng cắm cành đào trong nhà có thể cản gió độc, đuổi tà khí ra ngoài. (Phạm Văn Bân, “Phong tục ngày Tết” (Tết trong đời sống tâm linh người Việt), NXB Văn hóa-Thông tin, 2008, trang 58-59)...

Như vậy, tùy sở thích riêng của từng người, ngày Tết người ta hay dùng các loại hoa chưng dọn nhà cửa cho đẹp để đón chào năm mới như: cây quý (quất), phúc lộc thọ, vạn thọ, mãn đình hồng, cúc, phong lan, thủy tiên, tuy-líp... Tất cả đều tốt cả. Song theo tôi phong tục chơi mai, chơi đào là ở chỗ loài hoa ấy biểu trưng cho sự may mắn. Ngày xuân, mai, đào nở rộ thể hiện niềm vui suốt năm làm ăn phát tài, gia đình hạnh phúc...

Từ niềm hy vọng đầu năm ấy mà ai cũng đặc biệt quan tâm đến sắc hoa (màu vàng, màu hồng), hoa nở rộ đúng vào ngày đầu năm, nụ hoa to chắc, không bị rơi rụng... Hoa nở trễ hay nở sớm đều là điềm không tốt, mai rụng lại càng đáng lo... Không phải một người mà cả nhà cùng vui, cùng buồn.

Đón mừng xuân mới với một cây mai rực rỡ hay một vài cành mai với nhiều hoa đẹp là một điềm lành mang lại sự thịnh vượng và hạnh phúc cho mọi người. Được một cây mai, cành mai đẹp là điềm hên, cái may mắn cho mình, cho gia đình trong suốt cả năm mới. Vì vậy mà mấy người bán mai có dịp “chặt đẹp” khi bày ra những cây mai bông đơm đều, dáng đẹp và chắc chắn sẽ nở đúng vào ba ngày tết... Còn cây mai nào ít hoa hay hoa không nở kịp tết thì tưới nước thúc hoa, bán tháo bán đổ, hoặc đành cưa gốc mang về, chờ đến dịp tết năm sau...

Thân chào bạn.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 175)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm