Vào những năm 1990, khi giải Trần Hữu Trang (THT) mới ra đời, vẫn còn nhiều đoàn hát hoạt động. Giải THT được tổ chức thường niên vì lượng thí sinh dồi dào, vận động kinh phí và bán vé xem giải giá cao cho công chúng dễ dàng. Thời đó giải THT được so sánh với giải thưởng Thanh Tâm rất danh giá trước 1975. BTC giải THT đã không ít lần khẳng định mối gắn kết giữa hai giải thưởng bằng cụm từ Từ giải Thanh Tâm đến giải THT. Cả hai giải thưởng này không chỉ phát hiện, tôn vinh tài năng mà góp phần thúc đẩy sự phát triển của sân khấu cải lương.
Những đỉnh cao rực rỡ
Giải Thanh Tâm trước 1975 do nhà báo Trần Tấn Quốc, chủ bút báo Tiếng Dội, sáng lập nhằm vinh danh tài năng sân khấu cải lương. Giải thưởng do các ký giả kịch trường có uy tín đề cử. Sau đó các ký giả này cùng ban tuyển chọn gồm những nghệ sĩ, soạn giả như Năm Châu, Phùng Há, Kiên Giang, Hà Triều… chọn ra các giải triển vọng và giải xuất sắc. Nghệ sĩ nào có tài năng, tiến bộ cộng với một vai diễn nổi bật trong năm sẽ chiến thắng.
Trong khoảng 10 năm hoạt động, giải Thanh Tâm trao 24 huy chương vàng triển vọng, trong đó có sáu nghệ sĩ đã đoạt giải triển vọng, đoạt thêm giải xuất sắc vào các năm sau.
Năm 1968, sân khấu cải lương rơi vào khủng hoảng do phim Hong Kong xâm lấn, thêm tình hình thời chiến, giải Thanh Tâm chia tay sân khấu trong sự trân trọng, luyến tiếc của công chúng.
Giải thưởng đã vinh danh những nghệ sĩ cải lương thế hệ vàng như Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thành Được, Thanh Sang… và góp phần đưa sân khấu cải lương đến đỉnh vàng son khó có thể lập lại.
Giải cho phép cả những thí sinh không có quá trình đứng trên sàn diễn cải lương chuyên nghiệp dự thi. Trong ảnh: Thí sinh Hải Long, giảng viên khoa Cải lương Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
Với giải THT giai đoạn 1990-1999, ở vòng sơ khảo, khán giả bình chọn 15 nghệ sĩ được yêu thích. Sau đó vào vòng chung kết những nghệ sĩ này sẽ thi tài bằng diễn trích đoạn các tuồng cải lương “kinh điển” trước ban giám khảo gồm các nghệ sĩ Phùng Há, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan,…
Trong điều kiện thuận lợi là cải lương đang hoạt động, cách làm nêu trên đã cho ra những huy chương vàng đáng giá. Những huy chương vàng giải THT lúc ấy như Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng… đã chứng tỏ tài năng.
Cạn nguồn tuyển chọn
Từ sau năm 1999, nhiều đoàn cải lương tan rã. Cả TP.HCM chỉ còn lại rạp Hưng Đạo diễn cải lương với một đoàn hát là Nhà hát cải lương THT. Ở tỉnh, nhiều đoàn nhà nước cũng bị giải tán hay sáp nhập, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, diễn phục vụ miễn phí bằng ngân sách.
“Tôi nghĩ cần tạo ra một giải thưởng khác dù điều này là khó khăn. Giải thưởng mới sẽ thi nguyên tuồng cải lương, như vậy ban giám khảo sẽ theo dõi được thí sinh toàn diện hơn” - kiến trúc sư Trần Nguyễn Giang Tiên. “Nên có một cuộc thi khác. Tôi muốn các huy chương vàng được trao xứng đáng hơn, chỉ cần một hoặc hai thôi để công chúng còn nhớ được họ là ai” - Huỳnh Minh Em, chủ nhiệm CLB Yêu cổ nhạc Anh Em. |
Có những năm giải không tổ chức được vì thiếu kinh phí và thiếu nguồn thí sinh. Và ở mùa giải lần thứ 11, phải sau gần năm năm tạm ngưng mới có thể tổ chức lại.
Giải THT lần này đã không thể chọn ra một chiếc huy chương vàng giải xuất sắc nào. Nhìn tổng quan cả giải thưởng, cả chín huy chương vàng triển vọng vừa được trao, không có thí sinh nào toàn diện. Thí sinh nào ca diễn tương đối đồng đều thì trích đoạn thể hiện có vấn đề, khi thì luẩn quẩn, khi thì cường điệu, khi thì mang tính minh họa. Nói như giảng viên sân khấu-soạn giả cải lương Văn Trí: “Cách thi trích đoạn như vậy biến sân khấu cải lương thành sân chơi; diễn viên không biết diễn, không sống với nhân vật mà chỉ la hét trên sân khấu”.
Đầu vào của giải tỏ ra dễ dãi, có khá nhiều thí sinh đoạt huy chương vàng triển vọng mà không có quá trình làm nghề. Nhiều thí sinh chỉ là học viên lớp đào tạo diễn viên cải lương. Tất cả những dễ dãi trên xuất phát từ nguồn thí sinh chín muồi tài năng đang cạn kiệt.
Đã đến lúc thay đổi?
Công chúng yêu thích cải lương và giới làm nghề rất quan tâm đến việc tạo ra những cuộc thi, những sự kiện cải lương để thu hút công chúng, góp phần hồi sinh cho cải lương. Song thực tế cho thấy từ mục tiêu, phương thức lựa chọn, đối tượng dự thi của giải thưởng THT đã không còn phù hợp.
Cải lương sống thoi thóp, không có đất cho diễn viên thể hiện, việc chọn ra diễn viên cải lương tài năng đã khó, phát huy tài năng ấy càng khó. Vinh danh cho nghệ sĩ nhưng không có sân khấu diễn thì vinh danh để làm gì? Cách dự thi chỉ chọn một trích đoạn đồ lại nét diễn của các nghệ sĩ ngôi sao như kiểu học tủ, không phát huy tài năng sáng tạo thí sinh. Nên chăng thay thế giải THT bằng những cuộc thi cải lương trẻ? Trên các diễn đàn mạng, các câu lạc bộ yêu thích cải lương, nhiều bạn trẻ đã có ý kiến đề nghị khá đa dạng theo hướng này.
Cải lương không còn đất sống bao nhiêu nên không thể đòi hỏi nhiều ở quá trình sân khấu của thí sinh. Là giám khảo, chúng tôi chấm theo quan điểm em đó có khả năng, triển vọng theo nghề cải lương về sau hay không dựa vào chữ huy chương vàng triển vọng. Tôi nghĩ phải lo đầu ra cho các em để các em có điều kiện phát triển. Là một người thuộc Hội Sân khấu TP.HCM, tôi ủng hộ những gì hội làm. Việc đề đạt nên dừng giải THT, có một giải khác thích hợp hơn là quyền của tất cả mọi người. Đạo diễn TRẦN MINH NGỌC, giám khảo giải THT 2011 Giải thưởng là cần phải có, cần nên duy trì nhưng nên đổi tên khác, làm cách khác. Phải làm sao cho diễn viên diễn trong nguyên một vở để ra tính chuyên nghiệp. Làm như giải THT hiện nay, cải lương bây giờ chỉ còn là sân chơi chứ không còn là sân khấu. Diễn viên ở sân chơi như thế cũng không còn thật sự gọi là diễn tuồng cải lương nữa. Khi tôi đi dạy ở Nhà hát cải lương THT, chỉ học trò năm nhất tôi mới cho dựng tiểu phẩm, khi đã thi tốt nghiệp, tôi bắt phải hát nguyên một vở. VĂN ĐỨC, nguyên giảng viên khoa Cải lương Nhà hát THT Giải THT có mục đích tìm người giỏi, người tài ở cải lương chuyên nghiệp. Mà những bạn đi thi hiện nay gọi là khả năng thì tôi còn thấy nhưng nếu gọi là tài năng thì tôi chưa thấy. Tôi nghĩ giải THT nên ngừng đi. Một nghệ sĩ từng đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm |
HÒA BÌNH