Mẹ còn sống lại bị con khai tử

Mới đây, Công an quận 6 đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267 BLHS, trong đó những người có liên quan là những người thân của nhau.

Giấu người thừa kế

Đầu tháng 2-2011, Công an quận 6 nhận được đơn tố giác của bà N. cho rằng người con của bà là ông T. đã làm giấy khai tử giả mẹ mình.

Cụ thể trong quá trình làm giấy tờ, bà N. phát hiện ông T. đã đến một phòng công chứng để khai và ký tên vào văn bản đề nghị nhận thừa kế. Đồng thời, ông T. cũng kê khai mẹ ruột của mình là bà N. đã chết từ năm 1992 và chỉ có duy nhất một người con là ông trong khi ông T. còn hai người em nữa.

Theo bà N., để chứng minh mẹ của mình đã chết, ông T. đã làm giả giấy chứng tử bà. Bức xúc, bà đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an quận 6 để trình báo hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông T. Tháng 5-2013, sau khi xem xét hồ sơ, công an quận đã khởi tố vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cuối năm 2013, bà N. mất. Ngày 24-1-2014, Cơ quan CSĐT quận 6 ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự. Lý do: Thời hạn điều tra đã hết nhưng cơ quan này không thu giữ được bản chính giấy chứng tử giả và chưa xác định được người làm giả giấy chứng tử. Đối với tài sản là ba căn nhà của ông bà ngoại ông T. để lại, công an quận cho rằng đây là tranh chấp dân sự nên các đương sự có thể khởi kiện ra tòa án.

Tội nào mới đúng?

Hai người con của bà N. không đồng ý với quyết định này nên đã khiếu nại. Theo họ thì ngay từ đầu hành vi của ông T. là lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ mặt khách quan của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là nhằm mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân để được đi học, nhận vào làm việc, vào biên chế, tăng điểm ưu tiên… Còn nếu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với mục đích chiếm đoạt tài sản thì phải bị truy cứu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS.

Cạnh đó, năm 2010, ông T. đã làm tờ tường trình về quan hệ nhân thân và có xác nhận của một UBND phường trong quận. Ông T. một lần nữa xác nhận bà N. mẹ ông đã mất năm 1992. Điều đáng nói là ông T. không đến UBND phường nơi thường trú của ông T. và bà N. để được xác nhận theo đúng thẩm quyền tờ tường trình nhân thân đó. Qua đó cho thấy ông T. cố tình khai báo gian dối để tiến hành việc chiếm đoạt tài sản. Từ hành vi làm giả con dấu, tài liệu nêu trên, ông T. đã chiếm đoạt được ba tài sản từ di sản ông bà ngoại để lại. Trong đó có hai căn nhà ông đã chuyển nhượng cho các con của mình sau một thời gian ngắn đứng tên, căn còn lại hiện chưa rõ tình trạng sở hữu.

Hai luồng ý kiến

Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao, phân tích tội lừa đảo là cấu thành vật chất. Vì vậy phải xét đến yếu tố tài sản đã bị biến mất chưa. Nghĩa là tài sản đã bị bán mất thì mới định tội danh này. Theo ông Thêm, nhà đất thuộc loại tài sản mang tính đặc thù. Do vậy trong vụ án này, nếu ông T. chỉ mới hoàn thành thủ tục thừa kế và tài sản chưa mất đi thì chưa định tội lừa đảo. Nhưng nếu nó đã sang tên bán cho người khác thì coi như hành vi lừa đảo đã hoàn thành và phải bị xử lý theo tội danh này.

Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho rằng: Muốn xác định tội lừa đảo thì phải xác định ông Tư lừa của ai, cụ thể có hành vi gian dối, tác động thế nào với người bị hại để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, đối với vụ án này cần hết sức cẩn trọng. Ông T. có thủ đoạn gian dối tác động đến người bị hại để họ tin giao tài sản hay không? Nếu ông chỉ có hành vi gian dối với phòng công chứng hoặc các cơ quan nhà nước khác thì xử lý tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là thỏa đáng. Cũng theo Thẩm phán Long, không chỉ người làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức mà ngay cả người sử dụng giấy tờ giả đó cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

HOÀNG YẾN

 

Các điều luật liên quan

Điều 139: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 267: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm,

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm