Đề án quy hoạch phát triển ngành y tế TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025 của Sở Y tế TP.HCM đã bị các đại biểu “bắt giò” như trên tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý cho đề án do Ủy ban MTTQ TP tổ chức ngày 11-12. Đề án đã đưa ra nhiều ý tưởng mà các đại biểu cho là “không tưởng” như: đến năm 2015 xây mới nhiều bệnh viện cửa ngõ, quận/huyện với vốn đầu tư gần 16.000 tỉ đồng và đào tạo thêm 8.000 bác sĩ.
Đất, tiền, nhân lực lấy đâu ra?
Ông Trần Thành Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, cho rằng các mục tiêu mà ngành y tế đưa ra nghe có vẻ đầy đủ và hay nhưng đi sâu vào phân tích mới thấy băn khoăn, nhất là vấn đề quá tải lâu nay đã gây bức xúc trong nhân dân. “Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, những chỉ tiêu đưa ra năm nào cũng chỉ 42 giường bệnh/10.000 dân. Cần thay đổi khái niệm tính giường bệnh chứ nếu tính trên vạn dân là chưa chính xác. Phải tính giường bệnh trên số bệnh nhân đang nằm viện. Giờ Sở Y tế giải quyết quá tải bằng cách tăng cường thêm 500-1.000 giường bệnh tại các bệnh viện vệ tinh thì cũng chẳng ăn thua gì. Ở đây có ba vấn đề cần bàn: Đất đai, kinh phí và cán bộ. Các dự án bệnh viện có rồi nhưng đất thì chưa giải phóng xong. Khái niệm giao đất bệnh viện phải rõ ràng, tức đã bồi thường giải phóng mặt bằng chưa và phải chỉ được nó nằm ở đâu?” - ông Long đặt vấn đề.
Một trong những mục tiêu khác mà ngành y tế hướng đến là phát triển kỹ thuật cao nhưng liệu người dân có trả một chi phí rất cao? Ảnh: TÙNG SƠN
Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP, ví von: “Tôi có cảm giác ngành y tế đưa ra dự án này như đang đặt mình trên đường xe lửa siêu tốc trong điều kiện đất đai, nhân lực và kinh phí khó khăn”. Ông Khoa phân tích, hiện thành phố có khoảng 7.000 bác sĩ, đến năm 2015 thì cần 15.000 bác sĩ, vậy trong vòng ba năm tới làm sao đào đạo cho đủ 8.000 bác sĩ? Về đầu tư thì cần 16.000 tỉ đồng là mù mờ và nan giải vì nguồn bố trí ngân sách đã rõ, kêu gọi xã hội hóa liệu có huy động được không? Đó là chưa kể vướng về quy trình, chủ trương.
GS Văn Tần, nguyên Phó Giám đốc BV Bình Dân, GS-Viện sĩ Dương Quang Trung, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ, cũng đều cho rằng đề án khó khả thi. Theo họ, lực lượng bác sĩ mới ra trường hiện nay (sáu năm đào tạo) chất lượng không cao, do đó việc cho mổ và điều trị ngay là không nên mà phải đào tạo lại số bác sĩ này. Muốn tăng số lượng sinh viên đào tạo hằng năm vẫn được, vấn đề là cán bộ giảng dạy ở đâu ra?
Liệu cơm gắp mắm!
“Phải tổ chức lại đàng hoàng và tỉnh táo, không thể vẽ ra được. Sở Y tế phải chỉnh lại những mục tiêu không khả thi. Phải nói với UBND TP là mỗi năm chỉ đào tạo được từ 600 đến 800 sinh viên thôi chứ nếu đào tạo tràn lan thì không có chất lượng” - GS-Viện sĩ Dương Quang Trung đề nghị Sở Y tế. Theo GS Trung, cần tránh tình trạng như trước đây dự định làm khu y tế kỹ thuật cao ở Tân Kiên - Bình Chánh nhưng giờ đất đã giao cho nước ngoài. Thực tế đang bất cập giữa nhu cầu và khả năng cung ứng. Do đó ngành y tế phải “liệu cơm gắp mắm” chứ không phải duy ý chí trong đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất được!
Nhiều ý kiến khác cũng đề cập đến vai trò, trách nhiệm của Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành lân cận thành phố. Vì theo họ, hiện thành phố đang xây dựng đề án để gom bệnh nhân các tỉnh về. Trong khi đó, ngân sách thành phố phải chi cho hoạt động của các bệnh viện này là điều bất cập. Bộ Y tế và các tỉnh phải có kế hoạch phát triển lĩnh vực y tế để người dân không phải lên thành phố. Còn thành phố chỉ giúp đào tạo con người, chuyển giao kỹ thuật… Nếu làm như cơ chế hiện nay thì dù có xây nhiều bệnh viện, tăng thêm nhiều giường bệnh cũng sẽ quá tải!
Từ năm 2012 đến 2016 nguồn vốn đầu tư cần cho xây dựng cơ sở vật chất, bệnh viện cửa ngõ, mua sắm trang thiết bị của các bệnh viện tại TP.HCM là gần 16.000 tỉ đồng, trong đó 7.400 tỉ đồng là vốn ngân sách, hơn 3.300 tỉ đồng là vốn kích cầu và 5.000 tỉ đồng là vốn trái phiếu Chính phủ. Song song đó, từ đây đến năm 2015 sẽ đào tạo thêm được khoảng 8.000 bác sĩ, cộng với hơn 7.000 bác sĩ hiện thời thì thành phố có thêm 15.000 bác sĩ, tức có 15 bác sĩ/10.000 dân… (Trích Đề án quy hoạch phát triển ngành y tế TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025) |
DUY TÍNH